MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổ chức khám sàng lọc bệnh lao cho công nhân lao động ở Khu công nghiệp Suối Dầu. Ảnh: Phương Linh

Sớm chấm dứt bệnh lao trong công nhân, người lao động

Minh Thành LDO | 24/03/2023 08:23
Dịch tễ lao ở Việt Nam hiện vẫn còn cao, xếp thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 12.000 ca tử vong liên quan đến bệnh lao. “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao” là chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2023.

70% người mắc lao ở độ tuổi lao động

Theo số liệu thống kê của Chương trình Chống lao Quốc gia, hàng năm Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

Trong khi đó, báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Đầu tư chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững

Trên Cổng thông tin Chính phủ, TS.BS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia - cho biết: “2 năm diễn ra dịch COVID-19 (năm 2020-2021), công tác phòng chống lao tại nước ta đã phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch”.

Nguyên nhân được cho là người dân không hoặc khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ chẩn đoán, điều trị lao. Nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trong hệ thống phòng, chống lao trên toàn quốc được phân công điều trị bệnh nhân COVID-19. Cũng vì thế, công tác phòng, chống bệnh lao bị đình trệ.

Nhiều tỉnh thành thiếu vật tư và trang thiết bị gây khó khăn cho các bệnh viện hoạt động khám chữa bệnh lao, bệnh phổi. Các hoạt động phát hiện bệnh nhân lao cũng bị ảnh hưởng, không triển khai được do thực hiện giãn cách xã hội.

Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong 2 năm 2020-2021, số lượng và tỉ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%.

Các chuyên gia khẳng định, đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.

Tăng cường ngăn chặn lao phổi trong công nhân, người lao động

Chưa có thống kê chính thức về số lượng người mắc lao là lực lượng công nhân lao động (mới chỉ có thống kê 70% người mắc lao trong độ tuổi lao động) nhưng hệ lụy của căn bệnh này nếu không ngăn chặn sớm sẽ tác động đến mỗi người, doanh nghiệp, thậm chí cả nền kinh tế.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Kim Cương - Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn, Trưởng khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương - cho hay, hầu hết bệnh nhân lao đều bị ảnh hưởng bởi “chi phí thảm họa”. Khi mắc lao, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như bị hạn chế trong công việc, giao tiếp, mất thời gian lao động để kiếm sống, gây ảnh hưởng chung tới cuộc sống của người bệnh. Theo ước tính, đến 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình phải đối mặt với chi phí vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh lao.

Đáng chú ý, có 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động và 20.000 người chưa có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 70% bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Trung bình một người mắc lao sẽ mất ít nhất từ 3 - 4 tháng lao động. Điều này đã đưa người bệnh vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật.

Bởi vậy, sớm chấm dứt bệnh lao cũng chính là bảo vệ nguồn lao động để người lao động có thêm cơ hội đóng góp công sức, trí tuệ vào quá trình phục hồi kinh tế. 

Hàng năm, Chương trình chống lao tỉnh Khánh Hòa thu nhận và quản lý từ 1.500 - 1.600 bệnh nhân lao. Việc tổ chức khám sàng lọc phát hiện lao chủ động giúp người lao động kịp thời phát hiện và điều trị bệnh lao; doanh nghiệp có hướng khắc phục những hạn chế về môi trường làm việc, bố trí việc làm phù hợp với thể trạng, sức khỏe của người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn