MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập. Ảnh: Phạm Đông

Sớm cụ thể hóa để áp dụng Luật Đất đai (sửa đổi) hiệu quả, sát thực tiễn

PhẠM ĐÔNG LDO | 20/01/2024 11:13

Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những bất cập như vấn đề xác định giá đất, công tác quản lý, trách nhiệm các địa phương, của bộ, ban, ngành, kể cả trách nhiệm theo Nghị quyết mà Trung ương đề ra.

Các phương pháp tính giá đất đáp ứng thực tiễn cuộc sống

Đại biểu Trần Văn Lâm - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Phạm Đông

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao.

Trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, có lẽ chưa dự án nào trải qua quy trình đặc biệt như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này khi trải qua 4 kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều buổi làm việc do Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì.

Điều này cho thấy tư duy và phương pháp làm việc đổi mới, quyết liệt hành động nhưng rất cẩn trọng, đề cao chất lượng và hiệu quả của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang - cho biết, khi luật được thông qua, các phương pháp tính giá đất đã cơ bản giải quyết được những bất cập trong thực tiễn cuộc sống và trong tương lai. Trong quá trình quản lý, chúng ta sẽ thu thập được những dữ liệu về giá đất để làm rõ cơ sở dữ liệu về đất đai. Quá trình định giá đất sẽ ngày càng đơn giản hơn và giá đất được thực hiện qua quá trình đấu giá cũng sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu một cách công khai, minh bạch hơn.

Theo đại biểu, việc Quốc hội vẫn để cho Chính phủ quy định chi tiết và các phương pháp định giá đất là hoàn toàn đúng và cần thiết. Bởi vì luật không thể quy định quá chi tiết, đặc biệt là trong một số tình huống, trường hợp thực tế còn có sự biến động. Chính vì vậy, việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết và các phương pháp định giá đất là để cho Chính phủ có sự linh động, linh hoạt trong điều hành, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, ông Trần Văn Lâm vẫn cảm thấy băn khoăn, là việc tổ chức thực thi Luật Đất đai (sửa đổi). Việc đồng bộ về nhận thức trong toàn bộ các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và những đối tượng liên quan đến đất đai cũng là vấn đề tương đối khó khăn, cần phải có quá trình, thời gian. Các văn bản dưới luật cần được cụ thể hóa để sao cho đúng tinh thần của luật đưa ra, sát với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, công tác quản lý. Đây cũng là những thách thức đối với Chính phủ và các cơ quan cấp quản lý nên cần được quan tâm.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), sau khi các dự án luật và các nghị quyết được thông qua sẽ đặt ra cho Chính phủ và các cơ quan thực thi nhiều nhiệm vụ nhằm triển khai hợp lý, khoa học và khả thi.

Đồng bộ chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những bất cập như vấn đề xác định giá đất, công tác quản lý, trách nhiệm các địa phương, của bộ, ban, ngành, kể cả trách nhiệm theo Nghị quyết mà Trung ương đề ra.
"Bây giờ quan trọng là sự cụ thể hóa của Chính phủ bằng các Nghị định và các thông tư hướng dẫn của các bộ thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn” - đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) nhấn mạnh, một trong những yêu cầu đặt ra để Luật Đất đai (sửa đổi) phát huy hiệu quả ngay sau khi có hiệu lực là Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết ban hành; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn