MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quốc hội

Sớm dự báo, nên Việt Nam đã tránh được một phần hậu quả của bão lũ vừa qua

Đặng Chung - Trần Vương - Nguyễn Hà LDO | 03/11/2020 11:34

Giải trình trước Quốc hội về các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, vì sớm dự báo những tác động lớn của biến đổi khí hậu, nên Việt Nam đã tránh được một phần hậu quả của bão lũ vừa qua.

Lo lắng tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Trong phiên họp sáng 3.11, Quốc hội thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch năm 2021.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Trần Văn Cường (Đoàn Đồng Tháp) đã dẫn chứng vấn đề sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật gây lo lắng và bức xúc trong cử tri thời gian qua.

Đại biểu Trần Văn Cường (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu ý kiến. Ảnh: QH.

Theo đại biểu Cường, qua tiếp xúc cử tri, ông được biết việc kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra phức tạp. Nhiều phân bón giả, cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng vẫn được đưa ra dùng; việc lạm dụng phân bón diễn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Theo ông, việc lạm dụng này cũng đánh mất hình ảnh nền nông nghiệp chất lượng mà đất nước đang cố gắng triển khai thời gian qua.

Trước thực trạng này, ông Cường kiến nghị cần có sự vào cuộc đồng bộ giữa các ngành trong việc kiểm soát các loại hóa chất độc hại trên thị trường; tăng cường chế tài đối với các vi phạm, bao gồm việc kinh doanh phân bón giả.

Bên cạnh đó cần thí điểm việc truy xuất nguồn gốc và quản lý chặt chẽ chất lượng các mặt hàng nông sản vào thành phố lớn; ban hành chế tài bảo đảm thực thi trách nhiệm cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Việc này góp phần bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe cho thế hệ tương lai.

Nhiều đại biểu khác đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu, lũ lụt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều tỉnh thành ở nước ta và đề nghị Chính phủ, các địa phương phải có biện pháp bảo vệ rừng, quy hoạch lại hệ thống thủy điện để tránh mất rừng.

“Thủy Tinh dâng đến đâu, Sơn Tinh dâng đến đấy”

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề thuốc bảo vệ thực vật và phân bón giả mà đại biểu vừa nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, nền nông nghiệp của nước ta đang vận hành theo hướng tạo ra sản phẩm sạch.

“Tính từ năm 2016, nền nông nghiệp của chúng ta cần khoảng trên 10 triệu tấn phân bón, trong đó chủ yếu là phân vô cơ. Báo cáo với Quốc hội một tin vui, sau kết quả giám sát, chúng ta đã tăng tỉ lệ phân hữu cơ lên gần 4 triệu tấn. Đây là xu hướng rất tích cực... Hiện chúng ta cũng tới 243 nghìn ha canh tác ở 45 tỉnh sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2019, chúng ta xuất khẩu 35 triệu USD nông sản hữu cơ. Đây là quyết tâm rất lớn” - Bộ trưởng Cường nói.

Về vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, ông Cường thông tin, những năm trước đây, chúng ta nhập 120.000 tấn thuốc hóa học. Đến năm 2019, chỉ còn nhập 75.000 tấn, trong đó 20% là thuốc sinh học. Bộ trưởng NNPTNT cho rằng, đây là quyết tâm chung của chúng ta, giảm danh mục và số thuốc bảo vệ thực vật.

Dù vậy, ông Cường thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế trong các lĩnh vực này, cần tiếp tục hoàn chỉnh thể chế, chế tài để cố gắng vận hành một nền nông nghiệp bền vững, sạch, để tăng cường xuất khẩu.

Về vấn đề rừng hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, hiện chúng ta có tổng diện tích rừng là 14,6 triệu ha. "Trong vòng 30 năm, một đất nước có GDP còn thấp như vậy, mà chúng ta quyết tâm xây dựng nền kinh tế bền vững, phát triển rừng là trọng yếu để phát triển môi trường, hệ số che phủ của chúng ta gần 42%. Thế giới bình quân 29%. Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống”- Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

This browser does not support the video element.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói về rừng.

Về việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết, 400.000 ha trồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng thuỷ sản, cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long. Các cấp lãnh đạo cũng tập trung chỉ đạo liên tiếp với các chính sách chuyển đổi để ứng phó với tình trạng nước biển dâng, mưa bão ngày một nghiêm trọng hơn.

Bộ trưởng khẳng định, vì sớm dự báo những tác động lớn của biến đổi khí hậu nên Việt Nam đã tránh được một phần hậu quả của bão lũ vừa qua.

Để khắc phục, một mặt tái cơ cấu để thích ứng, căn cứ vào nguồn nước để bố trí lại cơ cấu sản xuất, cố gắng tái cơ cấu lại. Một mặt cùng với kinh nghiệm của dân gian. “Chúng ta sẽ cố gắng làm sao đúng theo phương châm: Thủy Tinh dâng đến đâu, Sơn Tinh dâng đến đấy” - Bộ trưởng khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn