MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời gian tới ngành giao thông sẽ bố trí nguồn vốn tập trung nâng cấp hạ tầng đường cao tốc. Ảnh: Xuyên Đông

Sớm nâng cấp hạ tầng đường cao tốc

Xuyên Đông LDO | 21/03/2024 09:52

Năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường bộ cao tốc xảy ra 267 vụ tai nạn giao thông, làm chết 91 người, bị thương 172 người. Nhiều tuyến cao tốc không có dải phân cách cứng ở giữa, không có làn dừng khẩn cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Giải pháp trước hết từ ý thức người tham gia giao thông

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam - cho rằng, khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông, chúng ta cần xem xét 3 yếu tố. Thứ nhất ý thức của người tham gia giao thông, thứ 2 là chất lượng phương tiện, thứ 3 mới đến chất lượng của hạ tầng.

Phân tích các vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc thời gian vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, các vụ tai nạn trên cao tốc vừa qua chủ yếu từ ý thức người tham gia giao thông khi không chấp hành hiệu lệnh và quy tắc giao thông trên đường cao tốc.

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Uy (Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam) cho rằng, đường cao tốc có hệ số an toàn cao hơn nhiều các loại đường khác, không có giao cắt đồng mức. Do đó, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu do ý thức chấp hành của người lái xe.

"Không ít người tham gia giao thông chủ quan, hoặc lái xe trong tình trạng mất ngủ, buồn ngủ, thậm chí một số lái xe có sử dụng ma tuý, uống rượu" - ông Phan Thanh Uy nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho hay, với điều kiện giao thông như hiện nay, để đảm bảo an toàn trên cao tốc, chúng ta bù đắp lại bằng khâu tổ chức giao thông. Nếu tổ chức tốt có thể tiết kiệm được nhiều tiền mà vẫn đảm bảo.

Nâng cấp hạ tầng đường cao tốc

Qua giám sát cho thấy, tổ chức giao thông trên các tuyến còn nhiều tồn tại, xuất hiện tình trạng như mở điểm cho phương tiện đi thẳng vào tuyến cao tốc (Hà Nội-Lào Cai), hệ thống hàng rào lưới thép còn nhiều vị trí chưa khép kín, thiếu người trực chốt, gác nên người dân vẫn có thể tự ý đi bộ, điều khiển môtô, xe ba gác vào tuyến cao tốc, súc vật đi trên cao tốc; đã xảy ra tình trạng cắt rào, trèo lên đường cao tốc để đón xe khách.

Một số tuyến vừa khai thác hoạt động giao thông, vừa thi công, thậm chí còn tháo dỡ hộ lan để phương tiện chở vật liệu đi từ cao tốc xuống đường gom, thi công đường gom gây bụi làm cản trở, che khuất tầm nhìn của lái xe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa, không có làn dừng khẩn cấp luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, khi xảy ra tai nạn giao thông thường đặc biệt nghiêm trọng (tuyến Cam Lộ-La Sơn, đoạn tuyến Yên Bái-Lào Cai).

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp trong khi mục tiêu phải hoàn thành 3.000km cao tốc vào năm 2025 ngày càng gây sức ép, chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến cao tốc với mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h, chưa có làn đường khẩn cấp được thông qua.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, một số tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư có quy mô 4 làn xe cơ giới với làn dừng khẩn cấp không liên tục, được đầu tư và đưa vào vận hành khai thác với tốc độ tối đa 80km/h.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam với chức năng là cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ và thẩm quyền phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát các yếu tố kỹ thuật có liên quan của công trình đường bộ cao tốc phân kỳ đầu tư đang khai thác hoặc đang chuẩn bị, thực hiện đầu tư có 4 làn xe cơ giới (phần xe chạy 2 làn mỗi bên).

"Thời gian tới ngành giao thông bố trí nguồn vốn tập trung làm sao đảm bảo cao tốc tối thiểu 4 tuyến, bố trí đủ hạ tầng làn khẩn cấp, vạch kẻ, trạm dừng nghỉ..." - ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn