MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt điện chạy thử nghiệm tại Hà Nội. Ảnh: G.T

Sớm quy hoạch trạm sạc cho xe điện

Đặng Tiến LDO | 22/10/2022 06:30

Bộ GTVT đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc là 1 kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc. 

Lộ trình thay thế phương tiện chạy diesel

Liên quan đến kế hoạch chuyển đổi và phát triển xe điện, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội - ông Thái Hồ Phương cho biết, Hà Nội đề xuất lộ trình 10 năm thay thế phương tiện sạch vì nhiều phương tiện chạy diesel đến năm 2025 theo lộ trình sẽ phải thay thế, mà đến năm 2026 tiếp tục phải thay thế sang xe năng lượng sạch thì lãng phí.

Đơn vị kiến nghị có cách nào kéo giá phương tiện xuống, vì giá phương tiện xanh hiện nay gấp 2 và 2,5 lần phương tiện diesel. Trong khi đó, hạn mức kinh phí địa phương và Chính phủ chỉ ở mức nhất định.

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM - ông Bùi Hoà An cũng cho biết, việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi và phát triển xe điện tại TP.Hồ Chí Minh là rất cần thiết và cấp bách để triển khai các giải pháp theo lộ trình, nhằm thực hiện mục tiêu “Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050”.

Tuy nhiên, với diện tích hơn tích hơn 2.095km2, dân số trên 9 triệu người, thực trạng của hệ thống hạ tầng giao thông thành phố đang có rất nhiều khó khăn như diện tích đất dành cho giao thông rất hạn chế (tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,76%).

Theo ông Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học công nghệ & Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam, hiện Bộ GTVT đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc là 1 kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc.

Ông Toàn cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, đối với quốc lộ, xe có thể dễ dàng tiếp cận 2 bên đường còn trên đường cao tốc thì không dễ, chỉ có thể tiếp cận ở hai trạm dừng nghỉ.

Cần hỗ trợ về thuế

Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Lê Anh Tuấn cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việc triển khai cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước, là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng sang phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đại diện cho Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - ông Đào Công Quyết cho hay, từ năm 2015 đến nay doanh số bán của toàn thị trường từng năm tăng dần, thống kê 8 tháng đầu năm, thị trường cả nước đã bán ra hơn 236.000 xe.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, việc phát triển ngành công nghiệp xe điện cần phải lồng ghép và tận dụng năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất ôtô sử dụng động cơ đốt trong thông thường.

Cụ thể, chiến lược ôtô điện đã được phê duyệt từ năm 2014, đến nay mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Trong khi đó, các chính sách nhà nước hỗ trợ cho ngành ôtô trong nước cũng tương đương Thái Lan, Malaysia, Indonesia, mới chỉ tập trung vào thuế (như thuế tiêu thụ đặc biệt, trước bạ).

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng chính sách thuế xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) -  bà Trần Thị Bích Ngọc, thông tin, ôtô xanh có rất nhiều loại và mỗi loại sẽ có những chính sách ưu đãi riêng.

Gần đây, Nghị định 57 cũng được ban hành để hỗ trợ phát triển ngành ôtô, bao gồm cả xe điện. Trong đó quy định, các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế đáp ứng điều kiện có dây chuyền sản xuất lắp ráp, sản xuất xe điện và đáp ứng một sản lượng nhất định (thấp hơn so với xe xăng) sẽ được nhập khẩu linh kiện với mức thuế 0% (áp dụng với linh kiện trong nước chưa sản xuất được).

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm, đến tháng 8.2022, cả nước đã có gần 3.000 ôtô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ôtô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu môtô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hằng ngày. Điều này cho thấy Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho việc phát triển phương tiện giao thông điện trong những năm tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn