MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sửa quy định về Thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế. Ảnh: Minh Ánh

Sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân

Minh Ánh LDO | 26/02/2024 09:47

Trong quá trình thực hiện, Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) đã bộc lộ nhiều bất cập và buộc phải điều chỉnh. Vậy, đến bao giờ quy định Luật này mới được sửa đổi đáp ứng nguyện vọng của người dân?

Bộ Tài chính cũng thừa nhận quy định TNCN còn hạn chế

Năm 2017, Bộ Tài chính từng soạn thảo và trình Chính phủ dự án Luật sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế, trong đó thừa nhận Luật Thuế TNCN có một số vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn.

Thời điểm đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2 bậc của biểu thuế lũy tiến từng phần, đồng thời nới khoảng cách ở các bậc thuế. Như bậc thuế đầu tiên trong Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công được quy định có thuế suất là 5% với thu nhập 10 triệu đồng, thay vì 5 triệu đồng.

Đến ngày 2.6.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020. Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Hiện Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV hồi tháng 11.2023, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN hiện thấp so với cuộc sống tại các đô thị và sẽ tăng mức này khi sửa luật. Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.

Thu nhập người dân giảm mạnh, Luật Thuế TNCN sẽ sửa quy định nào?

Theo Tổng cục Thuế, tổng số thu thuế TNCN năm 2023 trên 155.000 tỉ đồng. Mức này giảm so với con số 166.733 tỉ đồng ghi nhận hết năm 2022. Đáng nói, mức thu thuế TNCN năm 2023 là mức giảm lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây. Vậy mới thấy, thu nhập của người dân giảm sút ra sao trong bối cảnh hiện nay.

Vừa qua Báo Lao Động đưa tin người dân mong mỏi chính sách thuế TNCN sớm được sửa đổi và đứng về phía người nộp thuế. Một chuyên gia về thuế chia sẻ 4 phương án để sửa đổi Luật Thuế TNCN. Một là điều chỉnh mức tiền; Hai là tính toán theo thông lệ quốc tế, sử dụng phương án tự trượt; Ba là tính tự trượt theo mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ quy định; Và bốn là việc quy định mức giảm trừ gia cảnh có thể căn cứ theo mức trượt giá CPI.

Đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nay là Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, cho biết: Đối với Luật thuế TNCN, cùng với việc xem xét mức giảm trừ gia cảnh phù hợp thì Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu các quy định khác như: Ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh; các mức thuế suất lũy tiến từng phần, mức độ giãn cách giữa các mức thuế khi tính toán nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; chính sách ưu đãi đối với nhân lực trình độ cao; hay chính sách thuế đối với các khoản thu nhập mới phát sinh..., để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN trong các năm 2025, 2026.

Từ khi ra đời và có hiệu lực, việc thực hiện Luật Thuế TNCN phải điều chỉnh 2 lần mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tình hình thực tế như:

Từ ngày 1.1.2009 (thời điểm có hiệu lực), mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Từ ngày 1.7.2013, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn