MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những thuyền viên của Cty CP Hàng hải Liên Minh được "giải cứu" về nước. Ảnh Cty cung cấp

Sớm tiêm vaccine COVID-19 cho lực lượng thuyền viên

Khánh Hoà - Hoàng Hoan LDO | 23/06/2021 07:25

Để giải cứu hàng nghìn thuyền viên mắc kẹt, bên cạnh việc đề xuất đưa các thuyền viên này vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cùng đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải biển cũng kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho lực lượng thuyền viên.

Doanh nghiệp sẵn sàng trả chi phí để thuyền viên được tiêm vaccine sớm

Ông Hoàng Văn Dương - Giám đốc Cty CP Hàng hải Liên Minh - một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển nhiều năm - cho biết: Cty ông hiện có gần 700 thuyền viên, cung ứng nhân lực cho đối tác chính là Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nên các phương án thay đổi thuyền viên hết hạn hợp đồng và thay bằng thuyền viên mới đã bị ảnh hưởng lớn. Nhiều thuyền viên của công ty hết hạn hợp đồng nhưng không lên được bờ, lên được bờ rồi thì mắc kẹt ở nước ngoài do không có chuyến bay về nước, khiến lao động, thuyền viên rất khổ sở. Cá biệt, có trường hợp, hãng tàu đối tác với Cty đã phải chạy một chuyến tàu không (tàu vốn chở được 3.700 ôtô) chạy từ Chi Lê về Việt Nam chỉ để thay đổi thuyền viên, với chi phí khổng lồ lên đến gần 3 triệu USD (chưa kể các phí dịch vụ khi cập cảng gần 300.000USD nữa).

Theo ông Dương, đất nước ta là nơi có bờ biển dài, Chính phủ cũng hướng tới nền kinh tế phát triển ra biển, thuyền viên là lực lượng lao động đặc thù, đi khắp nơi trên thế giới, nên nguy cơ lấy nhiễm cũng nhiều hơn. Do đó, các thuyền viên làm việc trên biển cần phải đưa vào diện được ưu tiên tiêm sớm hơn. “Doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng trả chi phí để thuyền viên được tiêm vaccine sớm, vì môi trường làm việc trên tàu vốn đã không được chăm sóc y tế đầy đủ, kịp thời” - ông Dương nói.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Văn Phong - Chủ tịch Công đoàn Cty CP Hàng hải Liên Minh - đề nghị cơ quan chức năng tổ chức tiêm sớm cho những thuyền viên chuẩn bị nhập tàu, vì mỗi chuyến đi của họ kéo dài từ 10 tháng tới một năm, để nhằm đảm bảo an toàn cho công dân nước mình khi họ ra khỏi biên giới đất nước. Khi những thuyền viên trên tàu về nước, cũng cần tiêm vaccine sớm, để họ đủ thời gian chuẩn bị cho những chuyến xa nhà, xa đất nước tiếp theo.

Ông Nguyễn Huy Ty - Phó Giám đốc Cty Vận tải biển Sao Phương Đông (Hải Phòng) - đơn vị chuyên cung cấp thuyền viên cho các hãng tàu nước ngoài cho biết: Cty hiện có 1 thuyền viên đang bị mắc kẹt gần 2 tháng ở Philippines, 6 thuyền viên đang mắc kẹt ở Malaysia, 3 thuyền viên mắc kẹt ở Ai Cập. Những thuyền viên này vốn đã phải làm quá thời gian hợp đồng mới được lên bờ, nhưng vào được bờ mà vẫn chưa về Việt Nam được bởi không có chuyến bay. Hằng ngày, những người này chỉ ở trong phòng khách sạn, không được đi đâu nên rất bí bách, khổ sở. “Chúng tôi mong muốn Chính phủ coi thuyền viên là lực lượng lao động đặc thù, quan trọng trong giao thương quốc tế, nên đề nghị được tạo điều kiện trong việc di chuyển (giống như những nước Châu Âu đã có chính sách đặc thù cho lao động trên biển), đồng thời ưu tiên cho lực lượng này được tiêm vaccine sớm để yên tâm công tác trên biển dài ngày.

Đề xuất đưa thuyền viên mắc kẹt vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - cho biết, lao động hàng hải (thuyền viên) là ngành lao động đặc thù với thời gian làm việc trên tàu kéo dài từ 6-12 tháng, công việc nhiều áp lực, thuyền viên phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như bão gió, cướp biển, thiên tai. Tuy nhiên việc thay thế thuyền viên hiện nay là rất khó khăn do nhiều quốc gia không cho phép thuyền viên được lên bờ khi tàu cập các cảng biển, không thực hiện các chuyến bay thương mại, hạn chế nhập cảnh, không cấp visa, thuyền viên muốn hồi hương phải hoàn thành cách ly ở nước sở tại, thời gian chờ đợi Đại sứ quán xét duyệt được hồi hương kéo dài, dẫn đến thuyền viên đã hết hạn hợp đồng nhưng khó về nước, bị kẹt lại ở nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc đưa thuyền viên từ Việt Nam sang thay thế cũng gặp các khó khăn tương tự, dẫn đến một số lớn thuyền viên đã quá hợp đồng lao động bị kẹt trên tàu.

Để giải quyết vấn đề này, Cục Hàng hải Việt Nam đã hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, thuyền viên thông qua các giải pháp như: Tự động gia hạn chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên đang làm việc trên tàu bị hết hạn (hoặc gia hạn từ xa theo hình thức trực tuyến); đồng thời đề nghị các cơ quan phối hợp giải quyết đồng bộ nội dung này cho thuyền viên (ngành Y tế đối với Giấy khám sức khỏe thuyền viên, Bộ Bưu chính viễn thông đối với chứng chỉ GOC của thuyền viên).

Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có công văn gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để đề nghị có biện pháp hỗ trợ thủ tục nhập cảnh cho sĩ quan, thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế quá thời hạn hợp đồng lao động được hồi hương; báo cáo Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước xem xét đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ của Chính phủ Việt Nam.

Cục cũng đã có văn bản gửi Tổng thư ký IMO và sau đó IMO đã ra nghị quyết đề nghị các quốc gia thành viên lưu tâm, ưu tiên tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho thuyền viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn