MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc đưa nhân vật Chi Pu vào đề Văn gây nhiều phản ứng. Ảnh: LDO

Sơn Tùng, Chi Pu, záo zụk “lạc trôi” vào đề Văn: Thời thượng hay vội vã?

QUANG ĐẠI LDO | 17/12/2017 09:00
Chưa hết “choáng” vì lời bài hát “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP được đưa vào đề thi Ngữ văn, dư luận tiếp tục sốc khi các trường tiếp tục đưa chuyện thị phi của Chi Pu và cải cách chữ viết gây tranh cãi của PGS.TS Bùi Hiền vào đề thi.

Đại diện một số trường, hoặc từ chối bình luận, hoặc biện hộ rằng đề thi đúng, đã được hội đồng thông qua, để HS “phát biểu chính kiến” về các vấn đề thời sự. Một số ý kiến cũng cho rằng các đề nói trên là đổi mới, sáng tạo…

Tuy nhiên, đại đa số các ý kiến đề chỉ trích, phê phán kiểu ra đề ẩu nói trên. Việc dạy – học Ngữ văn trong trường phổ thông không có nhiệm vụ thuyết minh và phụ họa cho các vấn đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. HS được khuyến khích tìm hiểu về các thông tin trong cuộc sống, nhưng cần được hướng dẫn và có chọn lọc.

Về môn làm văn, thực chất là “tập làm văn”, để HS tập viết các dạng văn bản theo những phong cách, hình thức khác nhau, tập tranh luận, bày tỏ ý kiến về các vấn đề thuộc chương trình. Việc HS trao đổi, phát biểu về những vấn đề xã hội khác chỉ thuộc kiểu bài nghị luận xã hội.

Đề thi phải bảo đảm nguyên tắc vừa sức, kích thích sự sáng tạo bằng việc yêu cầu các em phân tích, bình luận, trao đổi về những vấn đề, nội dung đã được học, hoặc đã hiểu rõ. Các vấn đề khác, cần được thuyết minh một cách đầy đủ. Không đưa các vấn đề còn gây tranh cãi, chưa được giới chuyên môn thống nhất.

Các nhân vật, đoạn trích, sự kiện… đưa vào đề phải có tính điển hình, tiêu biểu, có giá trị, ý nghĩa về nhiều phương diện. Đề thi còn phải đảm bảo mục tiêu giáo dục, rèn luyện kỹ năng. Ra đề, không phải là việc đơn giản, đòi hỏi trí tuệ, công sức lao động của giáo viên.

Đối chiếu với các tiêu chí nói trên thì việc yêu cầu HS bình luận, phân tích về ca từ trong bài hát của Sơn Tùng M-TP, chuyện thị phi của Chi Pu hay đề xuất cải cách chữ viết tiếng Việt là vội vã.

Ca từ của một bài hát có tính chất “thị trường”, chuyện thị phi của giới showbiz không phải là đề tài thích hợp với HS, vô hình trung hướng các em đến những đề tài, chuyện hậu trường của giới showbiz vốn luôn xáo động, bát nháo.

Còn đề tài cải cách chữ viết của ông Bùi Hiền, ngay cả nhiều giáo viên còn mơ hồ, nay lại yêu cầu HS “phát biểu chính kiến”, lại chỉ gói gọn trong vòng 200 chữ?

Thiết nghĩ, đối với những vấn đề, nhân vật, hiện tượng mới trong xã hội, nhà trường, giáo viên có thể tổ chức cho HS tìm hiểu, thảo luận qua các chuyên đề, ngoại khóa, hoặc mời chuyên gia về nói chuyện. Còn vội vã đưa vào đề thi để chứng tỏ tính thời thượng là vội vã.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn