MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước ở sông Cầu (đoạn Ngũ Huyện Khê) có màu đen do ô nhiễm nặng. Ảnh: Trần Tuấn

Sông Cầu có được cứu sau chỉ đạo khẩn cấp của UBND tỉnh Bắc Ninh?

Huy Tuấn LDO | 23/12/2020 07:28

Trong chỉ đạo hoả tốc ngày 1.12.2020, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành kiểm tra đột xuất với các cơ sở có nguồn thải lớn, không thực hiện việc xử lý nước thải trước khi đổ ra sông Ngũ Huyện Khê, xử phạt ở mức cao nhất và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25.12.2020.

Sự vào cuộc quá muộn?

Sông Cầu - một trong 5 con sông quan trọng nhất của miền Bắc từ lâu đã bị ô nhiễm nặng nề, việc này ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang sống 2 bên bờ sông.

Từ lâu, cơ quan chức năng đã vào cuộc và nhận định nguyên nhân ô nhiễm sông Cầu là do nguồn chất thải từ các cơ sở sản xuất giấy tại phường Phong Khê (TP.Bắc Ninh) và cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) đổ thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê.

Năm 2018, phóng viên báo Lao Động đã từng đi thực tế và trực tiếp thấy hàng chục ống xả thải trực tiếp từ các hộ sản xuất giấy của phường Phong Khê (TP.Bắc Ninh) đổ ra sông Ngũ Huyện Khê, qua cống tiêu Đặng Xá, chảy ra sông Cầu. Những dòng nước thải này có màu đỏ thẫm và màu xanh lá cây.

Những ngày cuối năm 2020, khi trở lại khu vực này, vẫn là những cột khói đen kịt bốc lên từ các hộ sản xuất giấy tại đây nhưng tình trạng nước thải theo ống đổ trực tiếp ra sông đã không còn thấy.

Một người dân sống gần khu vực nói với phóng viên: "Gần đây, sau sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan chức năng, đặc biệt sau chỉ đạo hoả tốc của UBND tỉnh Bắc Ninh, tình trạng xả thải từ các cơ sở sản xuất giấy phường Phong Khê ra sông Ngũ Huyện Khê giảm hẳn. Đặc biệt, vào ban ngày thì không thể quan sát thấy các ống xả thải trực tiếp ra sông này như những năm trước đó".

Trong vai một người có nhu cầu nhập giấy vệ sinh để buôn bán, chúng tôi tiếp cận chủ một cơ sở sản xuất giấy tại phường Phong Khê, người này cho biết: "Hiện tại nguồn nước thải đã được đưa vào xử lý tại nhà máy xử lý nước thải tập trung tại phường Phong Khê với công suất 5.000m3/ngày".

Mặc dù nguồn nước thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê đã giảm so với trước đây nhưng đối với những người dân sống gần khu vực này thì hậu quả từ sự ô nhiễm đã và đang đeo đẳng họ nhiều năm nay.

Nhà gần cống tiêu Đặng Xá, ông Đặng Văn Quang (xã Hoà Long, TP.Bắc Ninh) cho biết, nguồn nước thải từ làng giấy Phong Khê từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh, kinh hãi của các làng, xã khu vực lân cận. Ông Quang cho rằng, đến thời điểm này mới chấm dứt được tình trạng đổ thải trực tiếp ra sông là quá muộn.

"Nước sông đã ngấm cả vào mạch nước ngầm của gia đình tôi cùng nhiều hộ khác. Bà con khoan giếng, nước bơm lên cũng tanh hôi, đen ngòm. Không chỉ vậy, nước ở khắp các hệ thống thuỷ lợi trong lưu vực của nó đều đen ngòm, hôi thối khủng khiếp khiến việc tưới tắm cho các loại rau quả, hoa màu cùng tồn tại nhiều nguy cơ", ông Quang nói.

Cách đó gần 30km, tại xã Thắng Cương, Yên Dũng (Bắc Giang), bà Nguyễn Thị Tâm cho biết, cả gia đình bà vẫn phải đeo khẩu trang kín mít để tránh mùi hôi thối từ nước sông Cầu bốc lên. “Mỗi năm có vài lần nước sông Cầu có dấu hiệu bị ô nhiễm, mùi hôi thối xộc vào trong nhà như thế này. Người lớn và trẻ nhỏ đều khó thở, ngột ngạt”, bà Tâm nói.

Đại diện phòng Tài nguyên và môi trường huyện Yên Dũng thông tin, năm cao điểm, nước sông Cầu có khoảng 10 đợt chuyển màu, mùi hôi thối và cá chết nổi trắng trên sông. Tại Bắc Giang không chỉ huyện Yên Dũng mà huyện Việt Yên, người dân cũng sống trong tình trạng khốn đốn vì nước sông Cầu ô nhiễm nặng. Đặc biệt, theo tìm hiểu của PV, còn có 2 nhà máy nước sạch lấy nguồn nước sông Cầu để cung cấp nước sạch cho nhiều xã trong huyện Việt Yên.

Bảo vệ sông Cầu: Trách nhiệm của cả 2 tỉnh

Sau khi đi thực tế, phóng viên báo Lao Động đã liên hệ với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bắc Ninh và UBND TP.Bắc Ninh để tìm hiểu về việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh liên quan đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước khu vực sông Cầu, tuy vậy vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía 2 đơn vị này.

Trên thực tế, ba bên là Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Bắc Giang đã từng ngồi lại để tìm cách cứu dòng sông Cầu.

Cụ thể, vào tháng 9.2020, trong cuộc làm việc giữa 3 bên, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) khẳng định: "Việc bảo vệ môi trường sông Cầu là trách nhiệm của tất cả các địa phương thuộc phạm vi lưu vực sông Cầu".

Bên cạnh đó, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng đề nghị 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu thuộc địa phận giáp ranh. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần có biện pháp quyết liệt nhằm xử lý triệt để nguồn nước thải từ làng nghề, khu, cụm công nghiệp trước khi xả ra nguồn nước sông Cầu...

Dù nguồn nước thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê đã giảm so với trước đây, nhưng đối với những người dân sống gần khu vực này thì hậu quả từ sự ô nhiễm đã và đang đeo đẳng họ nhiều năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn