MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đập tạm trên sông Vĩnh Điện được tháo dỡ, khiến tình trạng nhiễm mặn, Hội An vì vậy mất nước sinh hoạt. Ảnh: ĐC

Sông nhiễm mặn, Hội An khát nước sinh hoạt trầm trọng

LAM PHƯƠNG - THUỲ TRANG LDO | 12/10/2017 17:00
Nhiều ngày qua, hàng nghìn hộ dân tại TP.Hội An (Quảng Nam) chật vật vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, do nguồn nước sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn. Mặc dù là lần đầu tiên xảy ra sự việc trên, nhưng là một đô thị cổ, khách du lịch lưu trú quanh năm, sự việc khiến nhiều người lo ngại cho sự phát triển du lịch của thành phố. Cần phải tính toán để dân và du khách không phải chờ nước mỗi ngày.

Phố cổ thiếu nước

Ở ngay sát xí nghiệp cung cấp nước của thành phố, anh Nguyễn Hoàng ngao ngán khi khách sạn của mình bị mất nước hai ngày nay. “Mặc dù chúng tôi có bể chứa dự trữ nhưng nếu tình trạng kéo dài thì không biết lấy nước đâu mà dùng. Biết là tình trạng chung của toàn thành phố nhưng tôi không chỉ dùng nước cho mình mà còn phục vụ khách. Ai đời phố cổ Hội An, thành phố du lịch mà vì mất nước sinh hoạt thì có khi mất cả khách du lịch!” - anh Hoàng băn khoăn.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt còn diễn ra trầm trọng hơn với các hộ dân tại phường Minh An - trung tâm phố cổ. “Gia đình tôi bị mất nước từ 3-4 ngày nay mà không nghe thấy thông báo gì. Nước chảy nhỏ giọt nên phải đợi cả ngày, canh nửa đêm bơm lên mới có được ít nước nấu cơm. Còn lại phải dùng nước giếng nhưng vẫn rất bất tiện” - chị Hoa - người dân phường Minh An (Hội An) - cho hay.

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Viết Thành - Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An - cho biết, ngày qua nguồn nước từ sông Vĩnh Điện (nơi cung cấp nước cho Hội An) bị nhiễm mặn nặng. Việc nhiễm mặn và gây thiếu nước sinh hoạt tại Hội An vào thời điểm tháng 10 như năm nay là lần đầu tiên xảy ra.

“Ngay sau khi xảy ra việc nhiễm mặn, Xí nghiệp nước Hội An đã ngưng bơm nước thô từ Vĩnh Điện và sử dụng bể nước dự trữ. Tuy nhiên, với dung tích 40.000 mét khối, số nước này chỉ đủ phục vụ cho toàn thành phố trong ba ngày. Từ ngày 9.10 đến nay, nhiều hộ dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Những ngày qua, chúng tôi phải canh nước từng giờ, đợi lúc triều xuống để bơm nước nhưng cũng chỉ được chừng 4 giờ/ngày. Số lượng nước này không đủ để cung cấp cho toàn thành phố” - ông Thanh cho hay. Phải đến sáng ngày 11.10, độ mặn ở sông giảm, phía Xí nghiệp nước Hội An mới bơm hết công suất. Dự kiến đến chiều tối, người dân mới có nước để sử dụng.

Chia sẻ về phương án khắc phục lâu dài, ông Thành cho rằng, cần tính toán việc xây dựng một con đập kiên cố để chủ động trong việc đóng mở ngăn mặn. Riêng với TP.Hội An, ông Thành có đề xuất cải tạo hồ chứa Lai Nghi (phường Thanh Hà) với dung tích có thể lên đến cả triệu mét khối để làm phương án dự phòng khi Hội An xảy ra tình trạng trên.

Xây dựng đập ngăn mặn

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, 4 năm gần đây, năm nào đến mùa kiệt, sông Vĩnh Điện cũng bị xâm nhập mặn. Thông thường là vào khoảng tháng 2-3 (dương lịch), vì thế tỉnh sẽ xây dựng một đập tạm dọc sông để giải quyết tình trạng này để phục vụ thuỷ lợi. Đến mùa mưa lũ, khoảng cuối tháng 9 sẽ cho tháo đập để đảm bảo nước lũ về không gây vỡ đập. Tuy nhiên, năm nay thời tiết hơi bất thường, đúng ra vào mùa này không còn nhiễm mặn nữa vì đã bước vào mùa mưa lũ nhưng do không có đợt mưa lớn, cùng với đó, các đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua khiến triều cường dâng cao nên mặn xâm nhập sâu.

Năm nay, hai hồ thủy điện phía thượng nguồn là Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 đã thực hiện theo đúng yêu cầu vận hành của Chính phủ là xả nước trước mùa lũ xuống mức nước trước lũ để đảm bảo dung tích phòng lũ. Mực nước hiện còn của các hồ thủy điện còn thấp hơn yêu cầu của chính phủ, tạo dung tích trống lớn nhất để phòng lũ.

Ông Thanh cho biết: “Vừa qua, Cty Cổ phần cấp thoát nước Quảng Nam có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các hồ thủy điện phía thượng nguồn xả nước để đẩy mặn. Tuy nhiên, từ khi các hồ thủy điện hạ thấp mực nước đến nay không xuất hiện đợt mưa nào lớn, do đó các hồ hiện nay còn rất ít nước, không thể xả nước được. Nếu có yêu cầu xả thì mức xả rất bé, không thể đẩy độ mặn được. Do đó các địa phương phải có phương án ứng phó với hiện tượng này”.

Bàn về phương án lâu dài, ông Thanh cho hay, cuối năm 2015 tỉnh Quảng Nam đề xuất xây cầu qua sông Vĩnh Điện kết hợp đập ngăn mặn có kiểm soát, đầu tư kiên cố lâu dài. Nếu có công trình này, vào mùa hè có mặn xâm nhập thì đóng cửa van lại, đến mùa lũ thì tháo cửa van để nước chảy. Nếu có xâm nhập mặn đột ngột trong mùa mưa lũ thì đóng cửa van, tránh mặn xâm nhập. Với hệ thống cầu kết hợp đập ngăn mặn này, địa phương hoàn toàn chủ động.

“Hiện tại, phía tỉnh Quảng Nam đang lấy ý kiến thêm của các cơ quan liên quan và TP.Đà Nẵng để tiến hành xây dựng cầu này. Kế hoạch xây cầu đã đưa vào kế hoạch của tỉnh đến năm 2020, dự kiến trong thời gian tới sẽ cho triển khai” - ông Thanh cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn