MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăm sóc nạn nhân chìm tàu tại Bệnh viện Quy Hòa. Ảnh: X.N

Sống sót không tưởng giữa cuồng phong

XUÂN NHÀN LDO | 06/11/2017 13:00
Ngày 5.11, tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa chỉ còn 14 nạn nhân các vụ chìm tàu lưu lại. Một ngày trước đó, phòng cấp cứu cơ sở điều trị hàng đầu khu vực đã quá tải khi tiếp nhận tới 41 thuyền viên.

“Hô hào anh em nhưng trong đầu đã hiện lên hình ảnh vợ con...”

Nguyễn Văn Tài - thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26 (Cty TNHH vận tải Nam Khánh, Thái Thụy, Thái Bình) thỉnh thoảng cười thành tiếng trong cuộc trò chuyện với P.V Lao Động. Dưới lớp đồng phục bệnh viện, sắc diện người đàn ông 15 năm đứng mũi chịu sào dọc tuyến hàng hải bắc - nam vẫn còn mệt mỏi. Tàu Nam Khánh chở 2.300 tấn Clinker, xuất phát từ Hải Phòng, tới Quy Nhơn ngày 3.11, trên tàu có 11 người, kể cả hành khách.

“1 giờ sáng 4.11, sóng từng đợt cao 6 - 8m bủa vây thân tàu. Tôi cho hỗ trợ máy liên tục rồi trực tiếp lên cabin điều khiển “né” sóng. Gió càng lúc càng hung hãn, bẻ gãy lan can, tiện đứt ống thông gió”, anh Tài Nhớ lại. Tình huống nguy hiểm ập đến lúc 7h30, khi Nam Khánh 26 bị lưới giã cào trôi nổi quấn chân vịt.

“Tàu chết máy. Chúng tôi đơn độc giữa cuồng phong bão tố. Gọi Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn xin cứu hộ không thành, hơn 10 con người đành chôn chân nhìn tàu bị xô đi như chiếc lá. Từ phao số 0, tàu lao vào phao 5, phao 6, qua chặng đường 3 hải lý, nguy cơ mắc cạn hiển hiện! Thêm một lần kêu cứu vô vọng, tôi ra lệnh bỏ tàu. Lúc đó chừng 9 giờ hay 9 rưỡi, tôi không còn tâm trí mà nhớ”, thuyền trưởng Tài kể tiếp.

Hai chiếc phao bè cứu sinh thả xuống lập tức bị lật nhào. Anh Tài chỉ đạo thuyền viên bỏ phao 2, bấu víu vào phao số 1.

“Tôi phải tự trấn an, phải lên tinh thần cho chính mình để có thể thành chỗ dựa cho đồng đội. Tôi yêu cầu không ai được gục ngã, rằng đang là ban ngày, quan sát thuận lợi, chỉ cần tỉnh táo, không hoảng loạn là có cơ hội thoát ra. Tôi kháng cự lại sự tuyệt vọng của chính tôi, khi sức cùng lực kiệt, khi có người văng khỏi phao cứu sinh, rơi tuột vào những vòng sóng khổng lồ. Nhiều thời điểm chấp chới, tưởng chạm tay vào bờ liền bị kéo ngược ra xa. Cứ dập dềnh giằng co như vậy.

Cuối cùng thì ơn trời, chúng tôi níu được sợi dây ai đó quăng ra”, người chỉ huy Nam Khánh 26 thở hắt, nói ngay cả lúc hô hào anh em kiên cường chống lại điều xui rủi, anh đã chắc chắn không qua được số kiếp: “Tôi nghĩ đến 2 đứa con còn thơ dại, đến người vợ chưa có công ăn việc làm ổn định trong Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu...”.

Nạn nhân rớt xuống biển là hành khách duy nhất “ăn theo” tàu Nam Khánh: Bùi Quang Tú. Hành trình từ cái chết trở về của anh Tú còn kỳ lạ hơn: “Tôi co tròn như đứa bé trong bụng mẹ, hai tay ôm chặt lấy đầu, tránh va đập vào đá. Không nhớ lặn ngụp, trồi thụt bao lâu. Rồi cột sóng dễ đến 10m lồng lên, tôi thấy mình đáp xuống đúng một tảng đá, cảm giác như tan ra, lơ lửng”. Bùi Quang Tú được một cán bộ biên phòng tìm thấy, đưa vào bệnh viện, khi anh thất thểu lội bộ qua cả chặng đường dài.

Huy động 80 y, bác sĩ chăm sóc nạn nhân

Bác sĩ Vũ Tuấn Anh - Giám đốc BV Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa - thông báo như vậy về lực lượng thầy thuốc được huy động chăm sóc thuyền viên: “Đó là con số thường trú, trong trường hợp đặc biệt, chúng tôi còn điều động thêm. Quy Hòa tiếp nhận cấp cứu 41 thuyền viên. Họ là người của các tàu Sơn Long 08, Nam Khánh 26, FEI YUE 9 và Hoa Mai 68. 15 thuyền viên tàu FEI YUE 9 là người Trung Quốc và Myanmar.

Tất cả đều kiệt sức, mất nhiệt, chấn thương do va đập và đặc biệt, đều hoảng loạn cùng cực. Nhờ điều trị, chăm sóc tích cực, bệnh nhân hồi phục khá nhanh. 27 trường hợp đã xuất viện, trong đó có 15 thuyền viên nước ngoài”.

Sáng 5.11, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã đến thăm, trao 3 triệu đồng cho mỗi thuyền viên đang điều trị tại Quy Hòa. Động viên những người vừa từ cõi chết trở về yên tâm điều trị, ông Tùng đồng thời yêu cầu cán bộ, nhân viên bệnh viện chăm sóc nạn nhân với điều kiện tốt nhất, “từ thuốc men đến cơm ăn áo mặc, giúp mỗi người sớm quay về cùng công việc, gia đình”.

Theo Bộ đội Biên phòng Bình Định, có 9 tàu hàng bị sóng đánh chìm, 72 thuyền viên được cứu sống, 3 người tử nạn. Số còn mất tích, trôi dạt trên biển là 24 người. Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến - Cục phó Cục cứu hộ - cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam) - thông báo, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã quyết định thành lập trạm chỉ huy tiền phương tại Bình Định nhằm đảm bảo xử lý kịp thời tình huống cấp bách. Hiện có 10 tàu được huy động đến vùng biển Quy Nhơn. “Nếu cần thiết, sẽ điều thêm 2 tàu hải quân nữa”, ông Tiến nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn