MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội và nhiều địa phương trao tặng thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến. Ảnh: Hồng Đạt

“Sóng và máy tính cho em”: Ước mơ không còn xa xỉ với học sinh khó khăn

Phạm Đông LDO | 18/09/2021 15:48
"Máy tính cho em", "Sóng và máy tính cho em" là những cụm từ bắt đầu trở nên quen thuộc trong tháng đầu bước vào năm học mới. Việc kêu gọi toàn xã hội chung tay sẽ góp phần hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến. 

Chắp cánh ước mơ học tập

Sự lan tỏa mạnh mẽ của chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp phát động vào tối 12.9 thực sự đã chạm đến trái tim của cả triệu người dân, chắp cánh ước mơ cho nhiều học trò nghèo trên cả nước.

Câu chuyện em Nguyễn Thị Thanh Loan (lớp 6C Trường THCS Hòa Long, TP.Bắc Ninh) cùng mẹ quét rác thuê, kiếm được 250.000 đồng/tháng mong ước có được thiết bị để học trực tuyến khi năm học mới đã đến khiến mọi người cảm động. Sau khi sự việc được lan toả, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đã đến tận nhà hai em Nguyễn Thị Thanh Loan và em Nguyễn Tuấn Anh (lớp 3A2, Trường Tiểu học Hòa Long) để trao 2 chiếc máy tính để bàn, mỗi chiếc trị giá 10 triệu đồng.

Đây chỉ là một trong khoảng 1,5 triệu học sinh nghèo cần hỗ trợ máy tính để học trực tuyến. Những chiếc máy tính này sẽ giúp các em đáp ứng tốt nhu cầu học tập trên môi trường internet. Bởi ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình, đã có rất nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị, cá nhân tiên phong hưởng ứng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước thế hệ tương lai của đất nước.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Loan mồ côi cha, gia cảnh khó khăn. Ảnh: Liễu Thị

Mục tiêu của “Sóng và máy tính cho em” đặt ra, hết năm 2021, sóng internet sẽ phủ kín toàn quốc, 1 triệu học sinh, sinh viên khó khăn sẽ được trang cấp máy tính bảng. Sang giai đoạn 2 từ năm 2022 – 2023, phấn đấu không còn học sinh, sinh viên nào thiếu thiết bị để học trực tuyến.

Toàn xã hội chung tay vào "sự nghiệp trồng người"

Trao đổi với Lao Động, bà Lê Thu Thảo - giáo viên Trường THCS Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, chưa bao giờ giáo dục được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Chương trình không chỉ kêu gọi sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm mua máy tính mới tặng học sinh nghèo vùng dịch hay ở vùng sâu, vùng xa mà còn mong muốn tất cả xã hội chung tay vào "sự nghiệp trồng người" trong năm học đặc biệt này.

Theo bà Thảo, khi sự đồng lòng, chung sức lan tỏa nhiều hơn và kéo được sự hưởng ứng của nhiều cấp, ngành, đặc biệt là có các doanh nghiệp vào cuộc, khó khăn chắc chắn sẽ được giải quyết. Sự chung sức từ người dân đến doanh nghiệp vào "sự nghiệp trồng người" cũng cho thấy chúng ta rất cần có cơ chế rõ ràng, thuyết phục hơn để khích lệ doanh nghiệp tham gia các chương trình vì cộng đồng. 

Tiếp thêm động lực cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Phạm Đông

Nhấn mạnh chương trình có ý nghĩa mang lại cơ hội học tập bình đẳng trong dịch COVID-19, bà Thảo cho biết trở ngại lớn nhất của giáo dục vùng cao là cơ sở vật chất. Do đó bà tin tưởng những chương trình, dự án ưu tiên cho địa bàn khó khăn, nhất là trong kỷ nguyên 4.0 đã rút ngắn rất nhiều khoảng cách giữa các vùng miền, giúp vùng cao không còn thiệt thòi. Chỉ có như vậy mới giúp việc học trực tuyến không còn là một thứ gì đó rất xa xỉ.

"Trong bối cảnh dịch COVID-19, vừa lo an sinh xã hội nhưng việc chống nguy cơ của “giặc dốt” cũng là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Như vậy cho thấy ý nghĩa của việc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ có giá trị vô cùng to lớn" - bà Thảo thông tin.

Còn ông Nguyễn Khắc Tuấn - giáo viên dạy Toán Trường liên cấp THCS - Tiểu học Vietschool Pandora (Hà Nội) cho biết, để thực hiện chương trình này, cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Hiện tại rất cần sự chung tay của toàn xã hội, ngoài đóng góp kinh phí mua máy tính, các doanh nghiệp có thể trao tặng thiết bị, hỗ trợ giá, phần mềm, gói cước data... Còn người dân có thể quyên góp đồ cũ để ban tổ chức sửa chữa trao tặng học sinh nghèo.

Tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp cần phối hợp với địa phương quan tâm đến từng trường hợp nhằm kịp thời nắm bắt, có sự hỗ trợ đúng lúc, đúng thứ các em cần. Sự đồng hành với các em không chỉ dừng ở thời điểm bước vào năm học mới, mà công cuộc này cần thực hiện thường xuyên, liên tục để học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhận được nguồn hỗ trợ ổn định, lâu dài cho chặng đường phía trước.

Ông Tuấn cũng đề xuất nước ta cần có chính sách để doanh nghiệp đưa chính sách xã hội vào chiến lược trung tâm. Cần các quy định cụ thể về ưu đãi cho doanh nghiệp trong đầu tư để họ không chỉ xem hoạt động vì cộng đồng là việc "từ thiện" mà còn vì lợi ích, thương hiệu của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn