MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bệnh nhân sốt xuất huyết nguy kịch phải thở máy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh. Ảnh: Minh Hà

Sốt xuất huyết tăng cao bất thường, nhiều ca nặng ở Hà Nội

MINH HÀ LDO | 27/09/2023 08:11

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay nhiều ca bệnh sốt xuất huyết diễn biến rất nặng. Nếu bệnh nhân điều trị muộn, quá giai đoạn, dẫn đến suy đa tạng thì tỉ lệ tử vong có thể tới trên 50%.

Gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết nặng

Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 12.776 trường hợp sốt xuất huyết, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 3 ca tử vong.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Hiện tại, viện đang điều trị khoảng 80 - 100 ca sốt xuất huyết, trong đó phần lớn là bệnh nhân nặng, có 1 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy.

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã chiếm 1/3 số bệnh nhân điều trị tại đây với 54 bệnh nhân, trong đó có 11 ca chuyển nặng.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông hiện đang điều trị cho 173 bệnh nhân sốt xuất huyết. Riêng tại Khoa Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện có tới 78 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thể nặng. Tất cả các bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo nặng này đều nhập viện muộn.

Nguy cơ tử vong khi sốt xuất huyết trở nặng

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, thời điểm này, số ca sốt xuất huyết tăng cao. Điều đáng lo là ở nhiều tuyến thiếu dịch cao phân tử, nên khi xử lý những ca nặng khó khăn, đã có những ca diễn biến rất nặng, thậm chí tử vong.

“Ở nhiều tuyến do thiếu thuốc hoặc xử lý không tốt nên nhiều bệnh nhân đã diễn biến thành sốc. Nếu bệnh nhân sốc quá giai đoạn, dẫn đến suy đa tạng thì tỉ lệ tử vong có thể tới trên 50%. Do vậy, việc theo dõi, phát hiện sớm ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo để xử lý kịp thời và phù hợp rất quan trọng trong việc điều trị sốt xuất huyết” - bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay, bệnh viện này đã từng tiếp nhận ca bệnh nặng lên do đến muộn, suy đa tạng hoặc sốc do giảm thể tích, sốc do mất máu, sốc do truyền tiểu cầu.

Do vậy, để ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết trở nặng, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt. Việc truyền dịch cần được thực hiện tại cơ sở y tế, vì nếu chỉ số hemoglobin giảm, người bệnh cần được truyền dung dịch cao phân tử để kéo nước vào trong lòng mạch chứ không truyền dung dịch thường vì sẽ sốc hoặc bệnh nặng thêm do truyền dịch.

“Sốt xuất huyết xuất hiện trên những người đang khỏe mạnh, bình thường và diễn biến rất nhanh. Nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng lên do xử trí không đúng, hoặc bệnh nhân đến cơ sở y tế quá muộn, lúc đó đã có các biểu hiện suy đa tạng hoặc sốc, dẫn đến tỉ lệ tử vong rất cao” - bác sĩ Cường nói.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 15 đến 22.9), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.404 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, tập trung tại các quận, huyện như Hà Đông (174 ca), Phú Xuyên (161 ca), Cầu Giấy (150 ca), Đan Phượng (145 ca), Hoàng Mai (141 ca), Đống Đa (138 ca), Thanh Oai (135 ca), Ba Đình (124 ca), Nam Từ Liêm (120 ca), Chương Mỹ (107 ca), Thanh Trì (101 ca), Thanh Xuân (100 ca). Đây là con số kỷ lục từ đầu năm đến nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn