MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sốt xuất huyết tăng đột biến liên quan với biến đổi khí hậu ra sao?

Thảo Anh LDO | 18/11/2019 15:13

Mối tương quan "mật thiết" giữa biến đổi khí hậu và dịch tễ là cơ sở phát triển hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết.

Ngày 18.11, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam phối hợp đã tổ chức Hội thảo khu vực nhằm chia sẻ thông tin về Dự án phát triển hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết (D-MOSS).

Hệ thống D-MOSS được phát triển trong khuôn khổ một dự án sáng tạo đa bên do Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh tài trợ. D-MOSS là hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết đầu tiên tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh và dữ liệu về thời tiết để đưa ra các cảnh báo thường quy. D-MOSS là một hệ thống chạy trên nền tảng web có thể dự báo các đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát trước tới 6 tháng.

Hệ thống này cũng dựa trên mối tương quan mật thiết giữa biến đổi khí hậu toàn cầu và các vấn đề dịch tễ. Đây cũng chính là nội dung được bàn thảo xuyên suốt hội thảo.

Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc.

Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - nhận định: Sốt xuất huyết gây tổn thất trên toàn cầu khoảng 9 tỉ USD/năm. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết gây gánh nặng lớn về y tế công cộng như tỉ lệ mắc, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết cao.

D-MOSS là sáng kiến đầu tiên được hình thành và thử nghiệm trên thế giới, và đã quy tụ hàm lượng lớn chất xám khoa học từ nhiều tổ chức quốc tế và trong nước.

"Thông tin mà các quốc gia chia sẻ đóng góp một phần quan trọng vào nỗ lực chung của khu vực trong việc ứng phó với dịch sốt xuất huyết trong bối cảnh biến đổi khi hậu bởi vì dịch sốt xuất huyết không có biên giới địa lý giữa các quốc gia”- ông Tấn nói.

Phát biểu tại hội thảo, bà Sitara Syed - Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam - cho hay, sốt xuất huyết gia tăng với mức độ phức tạp và khó lường do tác động của biến đổi khí hậu.

 Hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.

Khi biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, sốt xuất huyết sẽ có xu hướng thay đổi nhiều do sốt xuất huyết bị ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa. Sự sẵn có nước (nước đọng) cũng tác động trực tiếp đến dịch sốt xuất huyết vì nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng và sinh sản. 

Ông Sam Bunleng - Trung tâm quốc gia về phòng chống sốt rét, côn trùng và kí sinh trùng Campuchia - phân tích rõ: "Các yếu tố khí hậu (El-Nino) cho thấy có mối tương quan giữa lượng mưa với sốt xuất huyết. Mưa làm tăng điều kiện phát triển dịch gấp 2 lần so với mùa khô. Khi nhiệt độ tăng 1 độ C thì sốt xuất huyết tăng 30%, khi lượng mưa tăng 1mm làm tăng sốt xuất huyết thêm 11%, và mưa hàng ngày sẽ tăng sốt xuất huyết thêm 8%".

Lấy dẫn chứng về mối tương quan này, bà Ngô Thị Thuỷ - Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu - cho biết, sốt xuất huyết bị tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố khí hậu như nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm và nắng.

Tại TP.Hồ Chí Minh, các ca mắc sốt xuất huyết cao hơn hẳn vào thời điểm cuối năm trong khi đó nhiệt độ và độ ẩm ít thay đổi giữa các tháng trong năm. Virus gây sốt xuất huyết gồm 4 type huyết thanh DEN 1-4; DEN 2 và DEN 3 phổ biến ở các nước nhiệt đới. Biến đổi khí hậu cũng tác động đến các yếu tố liên quan tới quần thể muỗi như lây truyền sốt xuất huyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn