MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh, sinh viên đang thích thú trải nghiệm ChatGPT. Ảnh: Hoài Anh

Sử dụng ChatGPT đúng cách để không phụ thuộc công nghệ

HUYÊN NGUYỄN LDO | 05/02/2023 07:24
ChatGPT ra đời đang làm mưa, làm gió trong các lĩnh vực và khó có thể phủ nhận được những ưu điểm của nó. Tuy nhiên, sử dụng ChatGPT không đúng cách có thể sẽ khiến giới trẻ thụ động, lười suy nghĩ và dựa dẫm vào công nghệ, tiềm ẩn nguy cơ sẽ phá hỏng con người mình.

ChatGPT đem đến sự khác lạ

Nhận định về sức hút của ChatGPT, ThS Phạm Hồng Thanh - Phó trưởng khoa Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Hoa Sen cho biết, ChatGPT đang gây ra sự tò mò, thích thú vì kết quả trả lời rất thông minh, dí dỏm. Các nội dung trả lời cũng tương đối chính xác và hiểu được ý của người hỏi.

Ngoài ra, công cụ mới này còn biết cách “nịnh” con người, ví dụ như khi bị phản hồi trả lời sai thì nó bắt đầu sẽ nghe theo lời mình và tìm cách điều chỉnh câu trả lời một cách chính xác hơn.

“Đó là một điều gì đó khác lạ hơn so với những gì mà các bạn trẻ hiện nay đang sử dụng như Google hay Facebook. Trước đây, chúng ta thường phải tìm kiếm thông tin một cách thụ động hơn thì bây giờ ChatGPT giống như một người bạn, một con người có thể diễn đạt ra câu trả lời một cách rất tự nhiên chứ không phải là một con robot. Tôi nghĩ đó là một trong những điều làm cho giới trẻ thích thú hơn và tìm hiểu đến công cụ này nhiều hơn”, ông Thanh phân tích.

Một yếu tố khác dẫn đến sự hấp dẫn được ông Thanh chỉ ra là nhờ vào những phương tiện truyền thông quảng bá một nền tảng kỹ thuật mới, công nghệ mới mà trước giờ chưa có. Bây giờ ChatGPT được nhận xét là hay hơn, tiện dụng hơn.

This browser does not support the video element.

ThS Phạm Hồng Thanh - Phó trưởng khoa Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ về ChatGPT. Video: Huyên Nguyễn - Ngọc Lê 

Chia sẻ về sức ảnh hưởng của ChatGPT trong môi trường giáo dục, ông Thanh cho rằng ChatGPT sẽ giúp cho con người, kể cả giảng viên và sinh viên có thể tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng nhất và đúng ý của mình hơn.

Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng câu trả lời này là từ cái máy tạo ra thông qua quá trình học hỏi, tìm kiếm, thu thập thông tin trong quá trình lâu dài và chắt lọc để đưa ra kết quả. Cho nên, câu trả lời đó không phải lúc nào cũng chính xác, cũng là hay nhất.

Nhiệm vụ của người sử dụng là phải biết câu trả lời đó có phù hợp với ngữ cảnh, công việc đặc thù mà họ mong muốn hay không. Từ đó, người dùng có thể sử dụng, tinh chỉnh lại theo ý kiến riêng hoặc tìm kiếm câu trả lời khác nữa.

Đừng để ChatGPT phá hỏng mình

Về điểm tích cực, ChatGPT rõ ràng giúp cho bản thân tìm kiếm thông tin nhanh, có thể học hỏi kiến thức mới tốt hơn, phân tích một vấn đề; giúp nâng cao hiệu suất công việc…. Ví dụ, mình muốn trả lời email cho khách hàng chẳng hạn thì có thể nhờ công cụ này viết giúp và cho kết quả rất nhanh.

Song, ThS Phạm Hồng Thanh cũng chỉ ra nhược điểm là độ chính xác không phải lúc nào cũng là 100% và công cụ này có thể gây cho người dùng sự lười suy nghĩ, thụ động và phụ thuộc vào công nghệ nhiều hơn.

Trước câu hỏi nhiều người lo ngại học sinh, sinh viên sẽ dựa dẫm vào ChatGPT, dẫn đến lười học, lười nghiên cứu, thầy giáo này cho rằng không hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Ông phân tích, thực ra nếu mà không có ChatGPT, người học cũng có thể dựa vào Google, Facebook hoặc nhờ bạn bè, thuê dịch vụ để hỗ trợ, làm hộ.

ChatGPT thực ra cũng chỉ là một công cụ thôi và con người sử dụng công cụ đó sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất. Vì thế, trách nhiệm thuộc về ngay chính bản thân của học sinh, sinh viên đó.

“Gia đình, nhà trường, thầy cô có thể hướng dẫn cho các bạn, vẽ một con đường cho đi đúng thì nó sẽ phù hợp hơn. Nói về ưu, nhược điểm thì cái nào cũng có hai mặt cả và nếu mình biết tận dụng tốt công nghệ thì nó sẽ giúp ích cho công việc của mình. Còn ngược lại, nó có thể sẽ phá hỏng mình”, ông Thanh bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn