MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sử dụng đồ nhựa, hộp xốp dùng một lần không đúng cách có thể gây nên những tác hại về sức khỏe. Ảnh: Cường Ngô

Sử dụng nhựa một lần là đi ngược lại xu thế phát triển xanh

Cường Ngô - Nguyễn Hà LDO | 29/03/2024 09:46

Sử dụng đồ nhựa, hộp xốp dùng một lần không đúng cách có thể gây nên những tác hại về sức khỏe và nhiều hệ lụy cho môi trường, đi ngược lại xu thế phát triển xanh, bền vững.

Hệ lụy đến sức khỏe

Cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc với lời kêu gọi: “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”.

5 năm sau lời kêu gọi, những hành động nhỏ nhưng thiết thực của cộng đồng đã diễn ra khắp nơi đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” vẫn đang là một trong những vấn đề môi trường toàn cầu.

Theo TS Trần Cao Sơn - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, hiện nay những sản phẩm đồ nhựa dùng một lần đặc biệt là hộp xốp được sử dụng rất phổ biến trong việc đựng các loại thực phẩm. Nếu như tuân thủ đúng tiêu chuẩn và được sản xuất đúng quy trình đảm bảo về vệ sinh, người dân sử dụng hợp lý thì những sản phẩm như vậy sẽ đảm bảo an toàn.

Trường hợp những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng hoặc quá trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh hoặc người dân sử dụng không đúng cách thì có thể có những tác hại. Ông Sơn dẫn chứng sản phẩm hộp xốp có thể bị phơi nhiễm những hợp chất, ví dụ các chất phụ gia ở trong hộp xốp được đưa vào để tăng tính dai giòn, hoặc kim loại nặng cũng có thể phơi nhiễm vào thực phẩm. Khi mà phơi nhiễm những hợp chất như vậy sẽ gây ảnh hưởng cho người sử dụng.

Theo ông Sơn, hộp xốp có nhiều loại, theo công nghệ sản xuất có những loại nhiệt độ chịu đựng thấp nhưng có những loại có thể chịu được nhiệt độ cao. Thông thường khuyến cáo hộp xốp không nên đựng những thực phẩm có nhiệt độ trên 70 độ C, bởi vì khi ở nhiệt độ cao nó có thể phơi nhiễm các chất như tôi vừa nói. Tuy nhiên, mỗi loại hộp xốp có khả năng chịu nhiệt khác nhau nên người dùng cần biết là nhà sản xuất có tiêu chuẩn, phải tuân thủ tiêu chuẩn và có hướng dẫn sử dụng cho người dân. Đối với những loại hộp xốp phải sử dụng hằng ngày thì tốt nhất không nên dùng để đựng các loại thực phẩm sôi, nóng trên 70 độ C.

Nói về hiện tượng xuất hiện vi nhựa trong cơ thể người, PGS.TS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, đồ nhựa sau khi vứt ra ngoài môi trường thì bắt đầu phân hủy, vỡ vụn ra thành hạt. Những hạt này thì có nguyên cấu trúc của nó nhưng kích thước lại rất nhỏ, những hạt mà có kích thước nhỏ dạng nanomet đi vào máu, đi vào cơ thể con người, cơ thể động vật, đưa vào cơ thể con người qua các động vật mình ăn như cá, tôm, hải sản, thủy hải sản... Điều này đã được phát hiện ra trong máu của một số người ở một số nơi là đã có cái hạt vi nhựa này.

Đi ngược lại xu thế phát triển xanh

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, một số loại nhựa không thể phân hủy, không thể tự tiêu, nó sẽ tồn tại hàng trăm năm, phân hủy thành những hạt nhỏ hơn và ngấm vào đất, nước làm ô nhiễm môi trường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đồ nhựa một lần vẫn đang được sử dụng tràn lan, theo bà An, dù đã có một số vật liệu thay thế nhưng chưa phổ cập nhiều trong cộng đồng do giá thành đắt, mà thói quen dùng nhựa một lần rất tiện lợi nên người dân chưa thể bỏ. Thứ hai là chế tài xử lý chưa nghiêm, bà An cho rằng, cần phải đánh thuế thật nặng đối với những sản phẩm này. Thứ ba cần có một cuộc vận động lớn để từng nhà dân, siêu thị, chợ không sử dụng... Tuy nhiên, tất cả những điều này chúng ta chưa làm tốt.

Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, phát triển xanh là mục tiêu và để đạt được cam kết phát thải ròng về 0 vào 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ là tổ hợp của nhiều yếu tố, trong đó hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, hạn chế rác nhựa là một trong những yếu tố đó, cần tiến tới việc không dùng và triệt tiêu đồ nhựa dùng một lần, có như thế mới đạt được mục tiêu đề ra.

Theo bà An, nếu như chúng ta vẫn sử dụng tràn lan đồ nhựa một lần sẽ cản trở xu thế phát triển xanh vì nó phát thải ra môi trường gây ô nhiễm. Nếu chúng ta thực hiện tốt sẽ góp phần đạt phát thải ròng về 0 và đạt được kinh tế tuần hoàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn