MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sự thật đằng sau những tin nhắn mời gọi "tình 1 đêm"

Trang Hà LDO | 25/02/2023 06:25

Những ngày qua, nhiều người liên tục nhận được tin nhắn điện thoại mang nội dung gạ gẫm tình ái và đính kèm đường link mời gọi người nhận truy cập vào. Vậy sự thật đằng sau những tin nhắn "tình 1 đêm" là gì?

Sự thật sau những đường link

Đang trong giờ làm việc, anh Lê Hải Đăng - nhân viên văn phòng tại Hoàng Mai (Hà Nội) bất ngờ nhận được tin nhắn từ một thuê bao chưa từng lưu trong danh bạ nhưng lại mặc định với cái tên "Len dinh". Thanh niên 28 tuổi càng bất ngờ hơn khi đọc nội dung: "Phục vụ số một Việt Nam, người mẫu, diễn viên, nhân viên văn phòng, dịch vụ tốt nhất hiện nay. Đăng ký ngay...".

Chưa dừng lại ở đó, buổi tối, anh Đăng tiếp tục nhận được tin nhắn từ thuê bao có tên là "Gai goi" với nội dung gạ gẫm tình ái, đưa đường link truy cập tương tự. Vì hiếu kỳ và muốn tìm hiểu ngọn ngành, anh Hiếu đã truy cập vào đường link trong tin nhắn và làm theo các bước được hướng dẫn.

 Nhiều người liên tục nhận được tin nhắn mời gọi. Ảnh: Trang Hà

Đường link truy cập yêu cầu tải ứng dụng nhưng không chuyển hướng về App Store như thông thường mà là một web khác có giao diện tương tự. Tải về thì ứng dụng đó mang tính chất chat chit, có nhân viên tư vấn. Nội dung là môi giới hẹn hò, mua bán mại dâm.

Nhân viên yêu cầu cung cấp địa chỉ sinh sống, sau đó gửi ảnh để khách hàng lựa chọn, đồng thời tư vấn các gói dịch vụ đang cung cấp.

 Đường link dẫn đến ứng dụng có nội dung mua bán mại dâm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Còn chị Lê Thị Hoài Tâm - nhân viên bán hàng tại Hải Phòng khi truy cập vào đường link của tin nhắn có nội dung tương tự lại được mời chào đầu tư tài chính. Ứng dụng yêu cầu truy cập danh bạ, cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để làm hồ sơ.

"Từ đầu tháng 2 đến nay, tôi liên tục nhận được tin nhắn từ các thuê bao có tên như "Tinh 1 dem, Gai goi, Len dinh, Henhonusinh... với nội dung gạ gẫm tình ái và gắn kèm link. Trước đó, tôi còn nhận được mang danh nghĩa một ngân hàng với nội dung yêu cầu truy cập trang web để hủy giao dịch hoặc cập nhật mật khẩu tài khoản ngân hàng.

Vì quá phiền phức, nảy sinh tò mò nên tôi ấn thử link. Hỏi thăm mọi người xung quanh thì thấy rất nhiều thuê bao các nhà mạng khác cũng đều nhận được tin nhắn" - chị Tâm kể.

Thận trọng với đường link lạ

Trả lời báo chí về vấn đề này, phía nhà mạng VinaPhone cho biết, dạng tin nhắn lừa đảo này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà do kẻ xấu phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo.

Các thiết bị này được mua bán, sử dụng trái phép để phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng không thông qua mạng viễn thông di động. Tin nhắn thường được thay đổi thông tin nguồn gửi thành dạng tên để tạo lòng tin và nội dung chứa đường link tới trang web lừa đảo.

Cảnh báo đến người dùng, anh Thiều Anh Nguyên - nhà phát triển phần mềm, Công ty TNHH MRS System (Hà Nội) cho biết, trong kỉ nguyên công nghệ thông tin như hiện nay, chúng ta mỗi ngày đều làm việc với các thiết bị phần mềm cho nhu cầu làm việc, giải trí. Tuy nhiên có một số thành phần dựa vào các kỹ năng về công nghệ thông tin để trục lợi, lừa đảo, gây hoang mang trong xã hội.

"Một số hình thức lừa đảo có thể kể đến như gọi điện mời chào việc làm, gửi tin nhắn, lập ra các trang web giả mạo. Khi bấm vào đường link cũng là lúc rơi vào tròng của các đối tượng lừa đảo. Người dùng có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân, thẻ tín dụng...

Ngoài ra, người dùng có thể bị mời chào các dịch vụ mua bán dâm hay các hoạt động vi phạm pháp luật.

Với những chiêu trò như vậy thì người dân nên trang bị kiến thức bằng cách đọc báo, xem tin tức để biết các phương thức lừa đảo, tránh trở thành nạn nhân. Đối với các đường link lạ tuyệt đối không được bấm vào xem, hạn chế việc cung cấp thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội" - anh Nguyên cảnh báo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn