MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàn đinh neo vào lưới sắt mặt cầu Thăng Long. Ảnh: ĐT

Sửa chữa mặt cầu Thăng Long có hoàn thành trước Tết Dương lịch?

Hà Hải Tiến LDO | 11/11/2020 11:52

Sau hơn 35 năm đưa vào khai thác, trải qua hai lần sửa chữa (2009 và 2013) mặt cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông. Vì vậy, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long, khai thác đồng bộ với đường vành đai III là cần thiết... Tuy nhiên, hiện dự án mới đạt 50% kế hoạch...

Công nghệ Châu Âu

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đây là lần sửa chữa lớn nhất và triệt để nhất từ trước tới nay với việc tạm dừng lưu thông các phương tiện trên mặt cầu tầng 2 từ tháng 8.2020 đến 31.12.2020. Vì vậy, việc nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long một cách căn cơ để khai thác an toàn, bền vững lâu dài và khai thác đồng bộ với đường vành đai III là hết sức cần thiết và cấp bách.

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long lần này với tổng kinh phí 270 tỉ đồng (trước đó, vào các năm 2013 - 2014, theo phương án của Tư vấn KEI (Nhật Bản) thì kinh phí sửa chữa mặt cầu Thăng Long là 313 tỉ đồng).

Nguồn vốn đầu tư sửa chữa sẽ trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Dự án thi công do liên danh nhà thầu Thành Hưng-VĩnhHưng-Phương Thành - Thuận An.

Theo ông Trần Bá Việt chuyên gia của Tổng cục Đường bộ, trước khi thực hiện giải pháp thiết kế để sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này thì đã thực hiện công tác kiểm định kéo dài nửa năm để đánh giá hiện trạng của cây cầu Thăng Long, đặc biệt là hiện trạng của mặt cầu Thăng Long hiện nay.

Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và học tập cũng như áp dụng các giải pháp của nước ngoài đã sử dụng thì chúng tôi lựa chọn giải pháp là bản mặt cầu bêtông UHPC tức là bêtông siêu tính năng liên hợp với bản mặt thép trực hướng để gia cường bản mặt thép, giảm võng, giảm biến dạng, giảm rung cho mặt cầu và tạo ra lớp làm việc, đồng thời giữa bê tông UHPC siêu tính năng và bản mặt thép. Điều này sẽ giúp gia cường bản mặt cầu.

Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Đức Nhiệm (Trường Đại học GTVT), vấn đề sửa chữa mặt cầu Thăng Long không dễ giải quyết. Việc sửa chữa lần này đã được phân tích, tính toán dựa trên cơ sở các thí nghiệm được trình bày công khai.

Giải pháp đề xuất này là của các nhà khoa học Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu, học tập và ứng dụng dựa trên công nghệ lõi của Châu Âu đang được nhiều nước trên thế giới ứng dụng từ Hà Lan, Pháp, Áo, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc… ứng dụng và đã thành công.

Mới đạt trên 50% khối lượng

Theo Cục trưởng Quản lý xây dựng đường bộ (TCĐB), ông Nguyễn Trung Sỹ, giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này sẽ cào bóc sạch lớp bêtông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, hàn các đinh neo thép vào bản thép mặt cầu. Sau đó, đơn vị thi công sẽ lắp đặt lưới thép, đổ một lớp bêtông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao dày 6cm, cuối cùng sẽ phủ nhựa tạo nhám mặt cầu.

Cùng với đó, thay khe co giãn đã hư hỏng, để khi sửa xong sẽ tăng khả năng chịu lực, bảo đảm mặt cầu có tuổi thọ hơn 10 năm.

Đại diện Ban QLDA3 (Bộ GTVT) cho biết, đến thời điểm hiện tại Dự án đang triển khai thi công cơ bản đảm yêu cầu về chất lượng, tiến độ. Công tác kiểm soát chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường được kiểm soát chặt chẽ, đến nay sau 50% thời gian thực hiện, gói thầu thi công xây dựng đã đạt khối lượng và giá trị thực hiện trên 50%.

Cụ thể, đã cào bóc được 5.900/6.132m2 (96%), hàn được 848.700/1.427.335 đinh neo (60%), đổ 16/38 ô bêtông với tổng chiều dài 1.680/3.200m…

Cũng theo GS.TS Trần Đức Nhiệm, dự án không chỉ đưa ra bằng kinh nghiệm mà phải bằng cả các con số thực nghiệm. Qua rất nhiều lần thẩm định và ý kiến đánh giá của các các bộ, ngành mới được chấp nhận. Từ tháng 5.2020 đến nay, dự án đã triển khai theo đúng kế hoạch đề ra như: Cào bóc, làm sạch, mái che, hàn đinh neo, hàn cốt thép, đổ lớp bêtông tính năng siêu cao (UHPC)… “Chưa có một dự án nào ở Việt Nam mà phải thực hiện từng bước bằng thực nghiệm để lấy kết quả đó đưa ra phương án thuyết phục”, GS.TS Trần Đức Nhiệm cho biết.

Để đảm bảo tiến độ về đích đúng kế hoạch, Ban QLDA3, kiến nghị Bộ GTVT và thành phố Hà Nội sớm triển khai lắp đặt hệ thống trạm cân tự động để kiểm soát tải trọng xe qua cầu nhằm nâng cao tuổi thọ khai thác công trình và an toàn giao thông. Sửa chữa phần mặt đường và sơn sửa hệ thống lan can, hộ lan trên phần cầu dẫn cầu Thăng Long để đảm bảo mỹ quan, phát huy hiệu quả và khai thác đồng bộ với tuyến đường Vành đai III mới đưa vào sử dụng và đường ôtô trên nhịp chính cầu Thăng Long sắp hoàn thành.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11.1974 và hoàn thành vào tháng 5.1985. Cầu vượt sông dài 1.680m, gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành năm liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112m/nhịp nhân ba nhịp.

Cầu gồm hai tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Sau hơn 35 năm đưa vào khai thác, trải qua hai lần sửa chữa (2009 và 2013) mặt cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông qua cây cầu này.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn