MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hộ dân chưa đồng ý giao đất cho dự án khu nhà ở thôn Đông Yên (Yên Phong, Bắc Ninh). Ảnh: Trần Tuấn

Sửa đổi Luật đất đai: Ngăn chặn việc doanh nghiệp "dựa hơi" Nhà nước để thu hồi đất giá rẻ

Trần Tuấn LDO | 10/03/2023 07:55

Luật Đất đai hiện hành quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất để “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Tuy vậy, trên thực tế, theo ghi nhận của Lao Động, có những dự án bị lẫn lộn giữa mục tiêu kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng. Vì vậy, theo các chuyên gia, Luật đất đai mới cần quy định rõ những tiêu chí cụ thể để phân biệt 2 loại dự án này, tránh tình trạng doanh nghiệp “dựa hơi” Nhà nước để thu hồi đất giá rẻ.

Vướng mắc thu hồi đất do giá đền bù thấp

Dự án khu nhà ở dân cư dịch vụ thôn Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh có tổng diện tích hơn 12ha, nhưng 10 năm nay chưa giải phóng xong mặt bằng.

Nguyên nhân theo người dân là do sự bất thường thay đổi chủ đầu tư. Năm 2012, UBND huyện Yên Phong ra quyết định thu hồi đất nông nghiệp cho dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư dịch vụ thôn Đông Yên, xã Đông Phong, chủ đầu tư là UBND xã Đông Phong. Thế nhưng sau đó, dự án này được chuyển đổi chủ đầu tư là một doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội.

Trước sự thay đổi này, nhiều người dân địa phương đã phản đối, không nhận tiền đền bù, giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án.

Người dân cho rằng, dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư thì sẵn sàng chấp nhận mức đền bù là 158 triệu đồng/sào đất nông nghiệp theo quy định, nhưng dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và có mục tiêu kinh doanh thông thường thì cần xem xét điều chỉnh giá thu hồi.

“Thu hồi đất của người dân cho doanh nghiệp làm dự án phân lô, bán nền, sau đó bán với giá cao gấp nhiều lần giá đất thu hồi thì không thể được! Tư liệu sản xuất của chúng tôi, nồi cơm của chúng tôi, cả nhà 3 thế hệ trông chờ vào ruộng đồng, nay bị thu hồi không có đất sản xuất, trong khi đó giá đền bù đất quá thấp, chúng tôi lấy gì để sống?” - bà Ngô Thị An (xã Đông Phong, huyện Yên Phong) cho biết.

Phóng viên Báo Lao Động từng tiếp cận một nhóm cò môi giới tại dự án khu dân cư dịch vụ thôn Đông Yên, dù thời điểm đó (tháng 11.2022), dự án chưa xây dựng xong cơ sở hạ tầng, nhưng môi giới cho biết, đã bán được hàng trăm lô đất theo hình thức “văn bản thỏa thuận” (kiểu bán lúa non - PV). Theo đó, tùy vị trí, với diện tích trung bình 115m2 mỗi lô đất có giá từ hơn 2,7 - 3,6 tỉ đồng, tức mỗi mét vuông có giá từ 24 - 32 triệu đồng. Tiền đóng theo đợt, dựa trên tiến độ thi công hạ tầng của chủ đầu tư.

“Cò” môi giới cho biết, hàng trăm lô đất tại dự án khu nhà ở thôn Đông Yên (Yên Phong, Bắc Ninh) đã được bán dù hạ tầng chưa hoàn thiện. Ảnh: Trần Tuấn

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, phóng viên Báo Lao Động từng ghi nhận sự bức xúc tương tự của người dân có đất nông nghiệp thuộc diện bị thu hồi giao cho doanh nghiệp để triển khai dự án như: Khu đất đấu giá thôn Mẫn Xá (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất xã Hòa Tiến (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), dự án khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi (Lạng Giang, Bắc Giang)...

Những hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho các dự án đa phần bởi lý do mức giá đền bù thấp, nhiều hộ chưa biết chuyển đổi sang công việc gì khác khi mất hết đất bờ xôi, ruộng mật.

Theo giải thích của chính quyền địa phương nơi có dự án thì được biết, một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác thu hồi giải phóng mặt bằng là vướng mắc về giá thu hồi đất. Tuy vậy, quá trình thu hồi, cơ quan chức năng địa phương vẫn phải thực hiện đúng theo khung giá đất đền bù địa phương đã được quy định.

"Chúng tôi cũng muốn người dân nhận mức đền bù cao hơn, nhưng giá thu hồi thì phải theo quy định của pháp luật hiện hành và khung giá đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh phê duyệt" - ông Đỗ Tuấn Linh - Chủ tịch UBND thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh) nói với Báo Lao Động.

Doanh nghiệp "dựa hơi" Nhà nước thu hồi đất giá rẻ

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đánh giá, thực tế có những dự án bị lẫn lộn giữa mục tiêu kinh doanh và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng. Trong hoàn cảnh đó, muốn xem đó là dự án kinh doanh hay dự án chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước thu hồi đất hay để chủ đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng gần như phụ thuộc vào ý chí của cơ quan chức năng chứ không hề có những tiêu chí nào để phân biệt.

“Luật Đất đai mới cần quy định rõ những tiêu chí cụ thể để phân biệt loại dự án Nhà nước thu hồi đất và loại dự án chủ đầu tư phải tự thương lượng bồi thường” - luật sư Quách Thành Lực nhấn mạnh.

Cùng trao đổi với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, từ trước đến nay, chúng ta đền bù đất nông nghiệp chưa đúng theo giá thị trường. Chính vì lẽ đó, trong Nghị quyết 18, Bộ Chính trị đã nhìn ra vấn đề này và yêu cầu phải đưa giá thị trường và trong giá đất đai.

"Theo tôi, việc thực hiện thu hồi đất đai theo giá thị trường cần thực hiện nhanh chóng, đồng bộ để từ đó việc đền bù sẽ thoả đáng hơn. Tuy vậy, thời điểm hiện tại chưa có sự thay đổi trong Luật Đất đai thì giá đền bù vẫn phải thực hiện theo khung giá đất từng địa phương", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn