MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chi trả BHXH cho người lao động. Ảnh: Q.A

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động

Quang Anh LDO | 19/04/2021 09:10

Bộ LĐTB&XH vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Mục đích là thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm xã hội cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập được chỉ ra từ tổng kết thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Theo Bộ LĐTB&XH, chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận BHXH một lần còn bất cập. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ để thực sự đóng vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội nên diện bao phủ còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động. Chính sách BHXH cho khu vực phi chính thức mới giới hạn ở hai chế độ hưu trí và tử tuất, một thời gian dài không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.

Tính đến cuối 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.

Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra là đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.

Ngoài ra, bất cập nửa là quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo cân đối trong dài hạn. Do chính sách BHXH hiện hành được kế thừa từ các chính sách BHXH trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, thiết kế dành cho công nhân viên chức khu vực nhà nước, do NSNN đảm bảo. Khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác thì chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số), chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, bình quân người tham gia BHXH đóng góp trong 28 năm với tỉ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, trong khi hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỉ lệ hưởng bình quân 70,1%.

Bên cạnh đó, tương quan giữa số người đóng và số người hưởng có xu hướng ngày càng giảm. Năm 1996, cứ có 217 người đang đóng BHXH thì chỉ có 1 người đang hưởng chế độ hưu trí; 10 năm sau, năm 2006 tỉ lệ này là 12,6/1; đến năm 2017 là 8,2/1 và đến năm 2020 là 7,7/1. Tỉ lệ số chi trên số thu vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian qua đang có xu hướng tăng lên.

Tỉ lệ hưởng lương hưu trên số năm đóng góp của Việt Nam hiện nay là khá cao, mức tối đa là 75% cho 35 năm đóng góp đối với nam và 30 năm đóng góp đối với nữ, tương ứng với tỉ lệ tích lũy là 2,14% cho mỗi năm đóng góp đối với nam và 2,5% cho mỗi năm đóng góp đối với nữ. Tỉ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới và chính sách hưu trí của Việt Nam được các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá là thuộc loại hào phóng nhất thế giới.

Hiện nay, chính sách BHXH thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng. Tính chất chia sẻ rủi ro chỉ thể hiện rõ trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam thì khoảng cách chênh lệch giữa người có mức lương hưu cao nhất và lương hưu thấp nhất hiện nay là tương đối lớn.

Giải pháp

Về giải pháp, Bộ LĐTBXH đưa ra phương án đối với việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội. Cụ thể, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với trường hợp công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động.

Điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với NLĐ khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.

Nghiên cứu bổ sung các quyền lợi ngắn hạn (trước mắt), tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, trong dự thảo, Bộ LĐTBXH cũng đặt ra vấn đề hoàn thiện các chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành. Theo đó, sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu theo hướng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với người lao động được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người đó và tiền lương tháng đóng BHXH trung bình của tất cả mọi người tham gia BHXH.

Sửa đổi căn cứ đóng, điều kiện, mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội gắn với mức lương cơ sở; sửa đổi nội dung các chế độ BHXH gắn với mức lương cơ sở: Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất; Điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội (đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia trước năm 2016); Trợ cấp mai táng; Trợ cấp tuất hằng tháng; Sửa đổi công thức tính lương hưu phù hợp với sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; Bổ sung quy định việc điều chỉnh lương hưu có quan tâm đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu…

Bộ LĐTBXH tin rằng, với những cơ sở sửa đổi như vậy, những bất cập, hạn chế hiện nay sẽ được giải quyết và quyền lợi lâu dài của người lao động sẽ được đảm bảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn