MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân kiến nghị nên sửa lại quy định về Thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: Hải Nguyễn

Sửa quy định về Thuế thu nhập cá nhân để không lỗi thời

Minh Ánh LDO | 11/11/2023 08:33

Tuần qua trên nghị trường Quốc hội, các quy định về Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), mức khởi điểm chịu thuế, giảm trừ gia cảnh... là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập. Nhiều ý kiến của người dân cũng kiến nghị cần sớm sửa quy định về Thuế thu nhập, để khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập.

Khoản giảm trừ gia cảnh không theo kịp mức sống người dân

Chị Vũ Ngọc Anh (tên nhân vật đã được thay đổi - 33 tuổi, ở Bắc Từ Liêm) than thở với phóng viên, 3-4 tháng gần đây, gia đình chị mệt mỏi vấn đề tiền bạc.

Chị Ngọc Anh và chồng đều có công việc ổn định. Nhưng đã nhiều tháng nay, chồng chị bị nợ lương, nên cả nhà chỉ dựa vào thu nhập khoảng 16 - 17 triệu đồng/tháng của chị.

Gia đình có 3 người với hai vợ chồng và một bé đang học lớp mầm non. Các chi phí đè lên đôi vai của vợ chồng chị xuất phát từ tiền thuê nhà, tiền học phí cho con và tiền viện phí cho bố.

Hoàn cảnh chị Ngọc Anh là câu chuyện của hàng vạn người khác đang sống tại đô thị. Và người dân cho rằng, họ đang chịu thiệt thòi khi mức giảm trừ cho cá nhân là 11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng đã duy trì từ tháng 7.2020. Trong khi đó, mức sống ở đô thị, giá cả thì tăng liên tục.

Chính sách thuế phải khuyến khích người dân sáng tạo, nâng cao thu nhập

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Ngọc Tú - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thuế, Giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - đánh giá, quy định về Thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là giảm trừ gia cảnh hiện nay là bất hợp lý và lỗi thời. Quy định về thuế vốn là quy định nhân văn, nhưng mức áp dụng đang tạo sự bất bình đẳng với người lao động, nhất là lao động tri thức.

"Lao động có thu nhập cao là những người có tri thức, thế nhưng bên cạnh việc khuyến khích họ tăng năng suất lao động thì quy định thuế đang áp mức đỉnh rất cao là 35%.

Thời điểm từ năm 2020 đến nay, đất nước đang trong giai đoạn đấu tranh với dịch bệnh, kinh tế khó khăn. Đối với người dân sống ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... mức thu nhập gần như không đủ sống. Ngoài chi phí sinh hoạt, chi phí thuê nhà rất lớn, người ra trường có lương từ 11-12 triệu đồng, thuê nhà rẻ cũng mất 5-7 triệu đồng. Thêm vào đó, nếu nuôi 2 đứa con, nhu cầu học hành rất lớn" - TS Nguyễn Ngọc Tú liệt kê những lý do cho rằng chính sách thuế đã lỗi thời.

Còn PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết, một trong những bất cập được nêu nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh.

Luật quy định khi mức lạm phát tăng đủ 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, song rõ ràng là khi áp dụng vào thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề. Trong thực tế, một số hàng hóa cơ bản trong khoảng thời gian 2013-2020 đã tăng 2-3 lần chứ không phải tăng 20%. Hơn nữa, với quy định trên, giả sử lạm phát cứ ở mức 15-17% thì theo luật sẽ chưa được điều chỉnh. Nếu mức lạm phát đó kéo dài tới hàng chục năm, thì người tiêu dùng, hộ gia đình sẽ bị thiệt.

"Không có lý do nào để người dân chờ thêm 3 năm nữa"

"Sẽ nâng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân" - đây là quan điểm của Bộ Tài chính đưa ra. Tuy nhiên, dự luật này chưa được bổ sung vào chương trình làm luật trong thời gian tới, nên trước mắt Bộ Tài chính sẽ thực hiện sửa các luật gồm: Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Bộ luật Thuế sửa đổi.

Điều này đồng nghĩa với việc đến năm 2026 Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mới được sửa đổi và đến năm 2027 mới có thể thi hành. Tuy nhiên, nhiều kiến nghị cho rằng, cần ưu tiên sửa đổi ngay quy định về thuế này. Nguyên do là vì trong một thời gian dài chính sách thuế TNCN đang trở thành gánh nặng cho người lao động.

Trao đổi với Báo Lao Động, TS Nguyễn Ngọc Tú thẳng thắn chia sẻ: "Bộ Tài chính đang thờ ơ, quá lạnh lùng với người nộp thuế cá nhân".

Vì vậy, theo ông Tú không có lý do nào khiến người nộp thuế TNCN phải chờ thêm 3-4 năm nữa để Luật thuế TNCN sửa đổi. "Họ cần có sự sẻ chia ngay lập tức" - ông Tú nhấn mạnh.

4 phương án sửa thuế thu nhập cá nhân

Với quy định hiện tại, khi mức lạm phát tăng đủ 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi thực tế, lạm phát liên tục gia tăng, có thời điểm lên đến hai chữ số.

Trong ngắn hạn, TS Nguyễn Ngọc Tú đề xuất Bộ Tài chính có thể cân nhắc các phương án chỉnh sửa thuế TNCN như sau:

Phương án thứ nhất, điều chỉnh mức tiền. Bộ Tài chính có thể điều chỉnh ngay mức giảm trừ cá nhân từ 11 triệu đồng lên 20 triệu đồng/người nộp thuế. Mức 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc có thể tính bằng 50% mức cho người chịu thuế.

Ví dụ, người nộp thuế giảm trừ 20 triệu đồng, thì mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 10 triệu đồng. Phương án này có thể duy trì 3-4 năm cho đến khi Luật thuế TNCN được sửa đổi.

Phương án thứ hai, Bộ Tài chính có thể tính toán theo thông lệ quốc tế, sử dụng phương án tự trượt. Quy định mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, gấp 10 lần mức lương khởi điểm hiện nay. Ví dụ mức lương cơ sở của công chức nhà nước là 1,8 triệu đồng. Như vậy, mức giảm trừ cá nhân sẽ bằng khoảng 18 triệu. Mỗi khi Nhà nước tăng mức lương khởi điểm 1,8 triệu đồng lên 2 triệu đồng thì mức giảm trừ của người nộp thuế tự tăng theo.

Phương án thứ ba, tính tự trượt theo mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ quy định. Theo quy định, mức lương này chia theo từng vùng kinh tế, vùng đô thị loại I, II, III... Ví dụ mỗi năm Nhà nước tăng mức lương tối thiểu của cơ sở vùng thì mức khởi điểm cho người nộp thuế điều chỉnh lên. Với phương pháp tự trượt, quyền lợi của người nộp thuế được đảm bảo.

Phương án cuối cùng, việc quy định mức giảm trừ gia cảnh có thể căn cứ theo mức trượt giá CPI. Mỗi năm Tổng cục Thống kê đều công bố chỉ số CPI. Nếu năm sau trượt giá thêm 5% so với năm trước, thì mức giảm trừ sẽ nhân với mức trượt giá 5%.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đối với Thuế thu nhập cá nhân năm 2022 cả nước đạt 166.733 tỉ đồng, đạt 138% dự toán và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, Thuế thu nhập cá nhân năm 2022 vượt so với mức dự toán đề ra đầu năm là 48.658 tỉ đồng.

PGS.TS Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, rút ngắn thời gian điều chỉnh, thiết kế lại biểu thuế cho phù hợp chưa chắc đã làm ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Khi người lao động được giảm thuế, họ sẽ tăng năng suất lao động, gia tăng vốn đầu tư vào con người, tuân thủ pháp luật về thuế, điều này có thể sẽ giúp cho ngân sách nhà nước tăng.

Không chỉ mức miễn giảm trừ gia cảnh bất cập, thuế TNCN còn bất cập nhiều khía cạnh

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân - thuế TNCN ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập và có vẻ mức thuế là quá cao khi so sánh, tính đến thông lệ quốc tế mà các nước khác đang thực hiện.

"Ở Việt Nam, người dân chủ yếu dành chi tiêu cho các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Không chỉ các mức thuế suất cao hơn so với các nước khác mà các bậc thuế cũng sát nhau. Thu nhập của người dân chỉ cần mới cải thiện chút ít là đã rơi vào diện chịu thuế mới, lên đến đỉnh 35% là mức rất cao so với các nước có thu nhập trung bình. Trong khi mức thuế dành cho người nước ngoài tại Việt Nam là 20%" - ông Thế Anh chia sẻ.

Chính vì chi phí của người Việt chủ yếu dành cho dịch vụ thiết yếu, nên PGS.TS Phạm Thế Anh chỉ ra chính sách thuế chưa thật sự nhân văn khi người dân mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí chữa bệnh âm vào thu nhập, phải lấy nguồn tiết kiệm, tích trữ để trang trải. Thế nhưng đa phần người dân vẫn phải chịu thuế TNCN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn