MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sức khoẻ các bệnh nhân ngộ độc tại Quảng Nam tiến triển tốt

Hoàng Bin LDO | 20/03/2023 08:33

Sau khi được chỉ định dùng thuốc giải độc Botulinum, sức khỏe 3 bệnh nhân nguy kịch trong 2 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cá chép ủ chua tại Quảng Nam đã có diễn biến tích cực.

Bác sĩ Lê Minh Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết: "Các bệnh nhân này từ tình trạng lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn hoặc yếu tứ chi, suy hô hấp, thở máy, sau khi được truyền thuốc giải độc đã gọi hỏi biết, thực hiện được y lệnh chậm, có nhịp tự thở yếu; Có bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh, có nhịp tự thở khá hơn, có khả năng khởi động cai máy thở".

Sức khỏe 3 bệnh nhân sau khi dùng thuốc giải độc Botulinum có chuyển biến tích cực, có khả năng cai máy thở. Ảnh Hoàng Bin

Từ ngày 7.3.2023 đến ngày 18.3.2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến việc ăn cá chép ủ chua tại huyện Phước Sơn, làm 10 người có diễn biến nặng phải nhập viện điều trị thở máy. Trong đó, 1 người đã tử vong.

10 người bị ngộ độc là đồng bào Giẻ Triêng. Món ăn cá chép làm chua là món ăn truyền thống của người dân, do gia đình tự chế biến từ: Cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt… sau đó ủ trong hủ kín khoảng một tuần đến 10 ngày. 

Kết quả kiểm nghiệm mẫu cá chép muối ủ chua trong vụ ngộ độc thực phẩm tại Quảng Nam của viện Pasteur Nha Trang xác định, các nạn nhân nhiễm độc tố Botulinum. Đây là chất độc cực mạnh, có thể gây chết người với hàm lượng rất nhỏ.

Trước diễn biến sức khỏe khó lường của các bệnh nhân, trong tình huống cấp bách, bệnh viện Chợ Rẫy đã cử các bác sĩ chuyên chống độc từ thành phố Hồ Chí Minh mang theo 5 lọ thuốc giải độc Botulinum hỗ trợ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam điều trị bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Trưởng đơn vị chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về sự nguy hiểm của độc tố Botulinum: “Chất độc này được tạo ra do vi khuẩn, trong môi trường yếm khí. Nguy hiểm nhất là độc chất này không phân hủy do nhiệt độ sôi. Do vậy, khi con người ăn phải dễ bị liệt. Khi ngộ độc chất Botulinum, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân dễ tử vong, phải mất nhiều tháng điều trị tích cực thì sức khỏe bệnh nhân mới hồi phục".

“Thuốc giải độc Botulinum rất hiếm, mỗi lọ có giá gần 200 triệu đồng, 3 bệnh nhân nặng sau khi được truyền thuốc giải độc này đã có diễn biến tích cực”, bác sỹ Hùng thông tin thêm.

Ngoài 3 ca bệnh nặng thì các bệnh nhân còn lại ngộ độc Botulinum mức độ nhẹ nên các bác sĩ không có chỉ định truyền giải độc.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã để lại cho Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam 2 liều thuốc giải độc Botulinum để phòng ngừa xảy ra trường hợp tương tự.

Đoàn chuyên gia chống độc bệnh viện Chợ Rẫy đã để lại Quảng Nam 2 liều thuốc giải độc Botulinum để đề phòng sự cố. Ảnh Hoàng Bin

Để giảm thiểu, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, ngành y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân: Không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua. Không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng... Cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua. Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn