MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồi chè của gia đình ông Sùng A Chư (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) sau khi được vận động xóa bỏ ma túy. Ảnh: Thủy Ngân

Sức sống mới trên những điểm nóng ma túy một thời

Khánh Linh - Thủy Ngân LDO | 20/09/2022 11:53
Sơn La - Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những vùng đất từng được coi là "thánh địa" của ma túy nay đã hồi sinh, phủ lên một màu xanh no ấm. 

Từng chìm trong đói nghèo bởi "nàng tiên nâu"

Những ngày tháng 9.2022, theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La - nơi một thời đã từng được coi là "thánh địa" của "nàng tiên nâu", những bản làng chìm ngập trong làn khói phê pha.

Gặp gỡ ông Vàng Giống Xào - một cao niên trong làng, năm nay đã 90 tuổi nhưng nét minh mẫn của người già làng vùng cao vẫn còn hiện rõ. 

Nhắc lại quá khứ về thuốc phiện, ông Xào cho biết: "Người Mông ở Long Hẹ trồng thuốc phiện từ những năm 1993 về trước, nhà tôi cũng có trồng một ít. Thông thường, mỗi năm sẽ thu được khoảng 3-4kg thuốc phiện, mỗi cân bán với giá 300.000 đồng. Khi đó, chỉ với 1kg thuốc phiện có thể đổi được 1 con trâu mộng ở vùng thấp".

Tuy nhiên, theo ông Xào, giá thuốc phiện cao là vậy nhưng các bản làng vùng cao vẫn có đến 80% hộ nghèo, đói. Ngô lúa, trâu bò và của cải trong nhà đều bay theo làn khói thở ra từ lõ điếu. Nhiều gia đình vợ chồng tan vỡ, con cái bơ vơ vì nghiện ngập. Có bản, đến quá nửa số người dân nghiện hút, sức khỏe giảm sút, thiếu đói triền miên, an ninh trật tự phức tạp.

 Lực lượng chức năng triệt phá cây thuốc phiện ở xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: ĐVCC

Còn trong ký ức của ông Sộng Páo Nênh - nguyên bí thư Đảng ủy xã Mường Cai, huyện Sông Mã - một xã biên giới cách trung tâm huyện 25km thì những năm 90 trở về trước, cây thuốc phiện là một trong những cây trồng chính của đồng bào Mông ở địa phương hồi đó. 

"Cây thuốc phiện được trồng khắp nơi, từ trên nương, dưới ruộng, thậm chí là quanh vườn nhà. Có nhiều gia đình cả vợ chồng con cái đều nghiện thuốc phiện, không sao thoát ra được" - ông Nênh nhớ lại.

Theo tìm hiểu, năm 2005, toàn tỉnh Sơn La có 9.487 người nghiện ma tuý, chiếm 61,32% trên tổng số bản, tiểu khu, tổ dân phố của, chiếm trên 1% dân số. Có 86% xã, phường, thị trấn và 36% số tổ bản có điểm tệ nạn ma tuý. Gần 80% các vụ án hình sự là do những người có liên quan đến ma tuý gây ra. 

Phủ lên màu xanh no ấm

Năm 2007, Sơn La tổ chức cuộc vận động thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông, trong đó có "không tái trồng cây thuốc phiện và buôn bán ma túy".

Nói về quá trình xóa cây thuốc phiện, ông Mùa A Chia - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ cho biết: "Tôi và một số lãnh đạo xã là những người tiên phong phá bỏ cây thuốc phiện ở điểm nóng ma túy này. Tiếp đó, chúng tôi đến từng hộ dân, tuyên truyền họ phá bỏ và đưa người đi cai nghiện. Ban đầu, người dân không hợp tác, nhưng lâu dần họ cũng nghe theo".

Tuy nhiên, theo vị nguyên lãnh đạo, nhiều gia đình vẫn cố tình lén lút trồng lại vào những chỗ khó phát hiện như khe núi cao, nằm sâu trong rừng già hoặc trồng xen canh rau, màu để ngụy trang. 

Mô hình cây ăn quả của "tỉ phú chân đất" Hàng A Sở (thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu) thu tiền tỉ mỗi năm. 

"Để phát hiện và phá bỏ, lực lượng chức năng phải đi bộ cả ngày trời, phát cây rừng mà đi. Thậm chí, người dân còn đặt bẫy quanh nương thuốc phiện, khi phát hiện cán bộ thì nổ súng chống trả" - ông Chia nhớ lại. 

Trở về những "điểm nóng" hôm nay, một màu xanh bạt ngàn của ngô, lúa, chè và cây ăn quả đang dần phủ lên diện tích thuốc phiện ngày ấy, cuộc sống ấm no cũng đang dần hiện rõ. 

Trò chuyện với PV, ông Hàng A Sở (SN 1955, trú tại tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu) - người đại diện duy nhất của tỉnh Sơn La nằm trong top 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 cho biết: "Trước đây bố mẹ tôi nghiện thuốc phiện, 3ha vườn nhà đều được trồng loại cây này nên không có thức ăn, tôi cùng các anh chị phải lên rừng đào củ mài, củ nâu ăn chống đói qua ngày".

Từ những năm 1990, khi cây mận hậu bắt đầu bén rễ với đất Mộc Châu, ông Sở đã chuyển đổi sang trồng hàng trăm gốc mận hậu.

Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong canh tác, mỗi năm ông thu khoảng 50 tấn mận và 30 tấn cam đường canh, mỗi năm thu về khoảng 1 tỉ đồng. 

Còn ông Sùng A Chư, ở bản Pa Chè, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, cũng nhờ từ bỏ cây thuốc phiện, chăm chỉ lao động sản xuất, đã trở thành một trong những hộ giàu có nhất vùng. 

Nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong triệt xóa cây thuốc phiện, những vùng đất một thời là "thánh địa" của "nàng tiên nâu" giờ được phủ màu xanh cây trồng, mô hình kinh tế hiệu quả, mang no ấm cho nhân dân vùng cao.

This browser does not support the video element.

Khu vườn thu tiền tỉ mỗi năm của lão nông Hàng A Sở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn