MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Taluy âm dài hàng trăm mét phía sau các dãy nhà bị sạt trượt nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống người dân.

Sườn đồi nứt toác, người dân nơm nớp lo sạt lở nhưng không muốn di dời

Đinh Đại LDO | 04/03/2024 08:44

Yên Bái - Dù sườn đồi phía sau nhà bị nứt toác, có thể sạt lở bất cứ lúc nào nhưng nhiều hộ dân ở thôn Trung Tâm, xã Yên Thành, huyện Yên Bình vẫn không di dời do chưa thống nhất được phương án tái định cư.

Những ngày đầu tháng 3.2024, có mặt tại khu vực có nguy cơ sạt lở của thôn Trung Tâm, xã Yên Thành, PV Báo Lao Động ghi nhận lượng lớn đất đá đã sạt xuống sát nhà các hộ dân. Dưới chân đồi, bất chấp nguy hiểm, cuộc sống sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường.

Theo quan sát, trên đỉnh đồi, phía sau những ngôi nhà, có thể dễ dàng nhận thấy những vết nứt lớn dọc theo bờ taluy. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mà còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.

Dây chắn và biển cảnh báo được chính quyền địa đặt tại vị trí có nguy cơ sạt lở.

Ông Lý Văn Lượng, một trong những hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở cho biết: "Tình trạng này xảy ra từ cuối năm ngoái. Vợ chồng chúng tôi biết là nguy hiểm nên ban ngày về nhà để trông coi tài sản và vật nuôi, còn đêm đến sẽ phải đi ở nhờ để phòng đất đá có thể sạt xuống bất cứ lúc nào”.

Theo ông Lượng, những ngày qua, chính quyền đã mời các hộ dân lên để bàn về việc di dời đến nơi an toàn. Nhưng sau nhiều cuộc họp thì các hộ dân và phía chính quyền vẫn chưa thể thống nhất được phương án phù hợp. Do vậy, các hộ dân sẽ cùng chung tay tự khắc phục để tiếp tục sinh sống ở đây.

Một lượng lớn đất đá đang có nguy cơ sạt xuống ngôi nhà mới của gia đình ông Lý Văn Lượng.

“Chính quyền xã nói nếu các hộ dân đồng ý thì sẽ xin nguồn vốn từ huyện để cấp cho chúng tôi đất nền ở một khu vực mới cách chỗ cũ gần 1km và thu hồi mảnh đất cũ.

Sau khi bàn bạc, các hộ dân đều không đồng ý, vì tích góp cả đời mới xây được ngôi nhà kiên cố. Vả lại, giờ chuyển thì lấy tiền ở đâu để xây nhà mới”, ông Lượng băn khoăn.

Những vết nứt to xuất hiện sau phía sau đồi, cạnh những ngôi nhà, tiềm ẩn rủi ro cao nếu có mưa lớn.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bách (trong diện di dời) chia sẻ: “Người dân như chúng tôi cũng rất hoang mang nhưng không biết làm thế nào. Nếu mùa khô thì không sao nhưng đến mùa mưa thì ai cũng lo lắng đất sẽ lở xuống vùi vào nhà”.

Theo ông Bách, vì chưa có phương án tái định cư cụ thể nên các hộ dân dự tính khi đất đá sụt xuống đến đâu thì người dân sẽ tự bỏ tiền để khắc phục đến đấy. Khi tình trạng nghiêm trọng hơn thì sẽ ưu tiên bảo vệ tính mạng trước.

Người dân sống bất an ở khu vực sạt lở nhưng vẫn chưa đồng ý di dời.

Lý giải về nguyên nhân các hộ dân chưa thể di dời, ông Lý Văn Lâm - Trưởng thôn Trung Tâm cho biết: “Nguy cơ sạt lở đang ảnh hưởng trực tiếp đến 6 hộ dân; 2 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng do các vết nứt lan rộng. Chính quyền đã mời các hộ gia đình đến làm việc và đề nghị các hộ dân di dời đến nơi an toàn.

Tuy nhiên căn nhà là khối tài sản lớn của các hộ gia đình mà giờ yêu cầu họ đi đến nơi khác làm lại nên không ai đồng ý. Sau nhiều cuộc gặp giữa xã và các hộ đã thống nhất sẽ không di dời mà chấp nhận ở lại để khắc phục dần những chỗ có nguy cơ sạt lở”.

Theo vị trưởng thôn, đây cũng là lý do nhiều gia đình kê đồ đạc ra ngoài hành lang để sinh hoạt và sẵn sàng tâm thế "thoát thân" khi có sạt lở.

Ngôi nhà này mới xây dựng nên gia chủ vẫn bất chấp nguy hiểm ở lại ban ngày và chỉ đi ở nhờ vào ban đêm. Ảnh: Đinh Đại

Chiều 2.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Yên - Chủ tịch UBND xã Yên Thành cho hay: “Chính quyền xã cũng đã nhiều lần vận động nhưng hiện tại các hộ bị ảnh hưởng vẫn chưa nhất trí phương án tái định cư nên không di dời.

Điều đáng lo ngại là nền địa chất khu vực này yếu và dễ bị sạt lở trở lại nên công tác khắc phục sẽ vô cùng khó khăn".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn