MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sụt lún đất ở ruộng lúa, tạo thành hố sâu ở huyện Cam Lộ vào năm 2019. Ảnh: AV.

Sụt lún đất tạo hàng chục hố tử thần ở Quảng Trị vẫn chưa rõ nguyên nhân

HƯNG THƠ LDO | 14/01/2024 16:18

Hiện tượng sụt lún đất, tại thành các "hố tử thần" tại địa bàn huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) diễn ra từ năm 2006 đến nay, đã gây thiệt hại về tài sản, đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân và gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong cộng đồng.

Ngày 14.1, UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, sau xảy ra tình trạng sụt lún tạo thành hố sâu ở thôn Quật Xá (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ), UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị phối hợp với các đơn vị kiểm tra. Vào ngày 29.12.2023, các đơn vị đã đi kiểm tra hiện trường, nhưng hiện vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân xảy ra vụ việc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, tình trạng sụt lún đất tại địa bàn huyện Cam Lộ có diễn biến phức tạp.

Vào năm 2006, sụt lún đất xảy ra tại địa bàn thôn Tân Hiệp (xã Cam Tuyền) từ ngày 18.2 đến 10.3, tạo thành 52 “hố tử thần” lớn nhỏ, đường kính hố lớn nhất 25m, sâu trung bình 4m đến 5m. Sụt lớn dịp này đã làm nứt, vỡ hơn 60 nhà dân và một số công trình trên địa bàn.

Sụt lún tiếp tục xảy ra từ năm 2007 đến năm 2018 tại một số khu vực thuộc phía Tây thôn Tân Mỹ và phía Đông thôn Tân Mỹ (xã Cam Thành).

Chưa dừng lại ở đó, ngày 4.4.2019, tại khu vực ruộng lúa thuộc thôn Quật Xá (xã Cam Thành) có 1 hố sụt lún đất, đường kính rộng 5m, sâu 4m.

Gần đây nhất, vào tháng 10.2023, đã xuất hiện một điểm sụt lún mà Lao Động đã thông tin. Điểm sụt lún này tạo thành “hố tử thần” với miệng hố đường kính khoảng 2m, phạm vi lan rộng khoảng 5m, chiều sâu 5m tại vườn nhà bà Phan Thị Hạnh ở thôn Quật Xá (xã Cam Thành).

Sụt lún tạo thành hố sâu, “nuốt” cả bụi chuối ở huyện Cam Lộ vào tháng 10.2023. Ảnh: AV.

Được biết, sau khi xảy ra hiện tượng sụt lún đất nghiêm trọng vào năm 2006, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ và Liên đoàn Vật lý địa chất - tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, đo đạc.

Khu vực nghiên cứu có diện tích 25km2, gồm khu vực dân cư dọc theo 2 bờ sông Hiếu và Quốc lộ 9 đoạn từ xã Cam Tuyền đến tiếp giáp thành phố Đông Hà.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, trong các nguyên nhân gây ra sụt lún đất do Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ và Liên đoàn Vật lý địa chất chỉ ra, có cả yếu tố khách quan là do địa chất, địa hình, thủy văn, thời tiết bất thường và yếu tố chủ quan do hoạt động xây dựng công trình, khai thác cát, sỏi; khai thác nước mặt, nước ngầm.

Qua thời gian thực hiện khá dài, đến nay thực tiễn cũng như một số cơ sở dữ liệu liên quan trong báo cáo do Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ và Liên đoàn Vật lý Địa chất khảo sát, nghiên cứu từ năm 2006 đã có nhiều thay đổi.

“Hiện tượng sụt lún đất tại Cam Lộ đã gây ra một số thiệt hại về tài sản, đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân và gây tâm lý hoang mang. Để có đầy đủ cơ sở khoa học và pháp lý cho việc đề xuất giải pháp ứng phó hiện tượng sụt lún đất, đảm bảo tính kế thừa các kết quả nghiên cứu đã thực hiện năm 2006, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị thống nhất chủ trương triển khai nhiệm vụ nghiên cứu bổ sung và xây dựng giải pháp tổng thể ứng phó với tình trạng sụt lún đất trên địa bàn huyện Cam Lộ” - lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn