MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tá hoả vì chi tiền triệu nhưng nhận về giấy xác nhận lý lịch tư pháp giả

KHÁNH AN LDO | 06/05/2023 12:01

Nhiều người sau khi nhận giấy lý lịch tư pháp từ dịch vụ thuê trên mạng, đem nộp cho công ty mới tá hoả vì đó là giấy xác nhận lý lịch tư pháp giả. Số khác sau khi chuyển tiền cho người làm dịch vụ thì lập tức bị chặn tài khoản, không liên lạc được.

Thông qua một hội nhóm trên mạng xã hội, anh L.N.N (sinh năm 1991, quê Hưng Yên) biết đến dịch vụ làm nhanh giấy xác nhận lý lịch tư pháp. 

Anh N cho hay, do cần giấy gấp để hoàn tất hồ sơ đăng kí làm lái xe giao hàng cho một công ty, nên anh đã chi 800.000 đồng để thuê dịch vụ này. 

Người làm dịch vụ này cho biết, anh N chỉ cần cung cấp ảnh chứng minh thư hai mặt, họ tên và địa chỉ của bố mẹ, ảnh sổ hộ khẩu, liệt kê quá trình công tác... Nếu nộp đầy đủ giấy tờ vào buổi sáng, buổi chiều anh N có thể nhận được giấy. 

Anh N cho hay, khi đó bản thân như "bắt được vàng". Bởi theo anh, nếu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến, anh sẽ phải đợi 10 ngày sau mới nhận được kết quả. Do vậy, anh lập tức gửi đầy đủ thông tin cho đối tượng và chuyển khoản cho họ.

Đúng hẹn, ngay buổi chiều, giấy xác nhận lý lịch tư pháp đã về tay.

"Vài ngày sau khi nộp giấy xác nhận lý lịch tư pháp cho công ty, tôi nhận được điện thoại báo có dấu hiện gian lận trong hồ sơ lý lịch tư pháp của tôi. Do vậy, hồ sơ của tôi không được công ty chấp nhận" - anh N cho hay.

Sau đó, anh N gọi cho bên làm dịch vụ nhưng không còn liên lạc được. Biết mình bị lừa, anh N quyết định tự đến Sở Tư pháp để làm thủ tục xin giấy xác nhận lý lịch tư pháp. 

"Đến khi nhận được giấy thật, tôi mới thấy màu sắc của giấy thật và giấy giả khác nhau hoàn toàn. Các chi tiết trong giấy giả cũng đều mờ, nhoè" - anh N kể lại. 

  Sau khi thanh toán toàn bộ số tiền, chị N.T.L không nhận được giấy xác nhận lý lịch tư pháp như đã cam kết. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, chị N.T.L cho biết bị bên làm dịch vụ chặn tài khoản, chặn số điện thoại ngay vào hôm đến lịch hẹn giao giấy xác nhận lý lịch tư pháp.

Cụ thể, ngày 14.3, chị L nhắn tin cho bên làm dịch vụ nói muốn làm giấy xác nhận lý lịch tư pháp số 1 để đi xin việc tại Việt Nam. 

Sau đó, người này thông báo cho chị L mức giá làm dịch vụ là 1.029.000 đồng. Trong đó, bao gồm 950.000 đồng tiền làm phiếu lý lịch tư pháp số 1, 35.000 đồng do chị L cần 2 phiếu và 44.000 đồng tiền thuế. 

Sau khi đã chuyển khoản toàn bộ số tiền, chị L được thông báo ngày 25.3 sẽ nhận được giấy. Vào ngày 25.3, khi vẫn chưa nhận được giấy xác nhận lý lịch tư pháp, chị liên tục nhắn tin, gọi điện cho phía bên làm dịch vụ.

Một ngày sau, chị thấy báo tài khoản Zalo của người này đã chặn liên hệ của chị, Facebook người này cũng đã khoá. 

Quá bức xúc, chị đăng tải lên mạng xã hội thì đọc được hàng loạt bình luận cho biết họ cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự.

"Biết hiện nay có nhiều thủ đoạn lừa đảo nên tôi đã cẩn thận chọn lựa bên làm dịch vụ. Tôi thấy họ để tên Facebook là Công ty luật T.H nên mới nghĩ chắc chắn uy tín. Ai ngờ tôi và mọi người đều bị lừa" - chị L cho hay.

Quy trình thực hiện thủ tục xin giấy xác nhận lý lịch tư pháp vô cùng đơn giản, vì vậy người dân có thể tự nộp hồ sơ theo 3 hình thức: nộp hồ sơ trực tiếp, nộp hồ sơ qua dịch vụ công của thành phố, nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Ảnh: Khánh An 

Theo Luật sư Quách Thành Lực – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, trong trường hợp số tiền lừa đảo chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì những đối tượng lừa đảo sẽ bị xem xét xử lý hành chính theo quy định tại khoản 1 điều 15 nghị định 144 năm 2021 với mức phạt tiền lên đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn bị tịch thu số tiền chiếm đoạt.

Trong trường hợp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, các đối tượng này sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 của Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Mức phạt tù dành cho các đối tượng lừa đảo này lên đến 3 năm tù.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn