MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đến thăm sản phụ bị tai biến sau khi sử dụng thuốc gây tê tuỷ sống do Ba Lan sản xuất. Ảnh: VD

Tai biến sản khoa tại Đà Nẵng: Chưa đủ cơ sở ngưng thuốc gây tê tuỷ sống

THUỲ TRANG LDO | 22/11/2019 14:30

Do chưa có kết luận rõ ràng và hiện nay, thuốc gây tê tuỷ sống nghi gây tai biến sản khoa tại Đà Nẵng vẫn đang được các cơ sở y tế phía Nam sử dụng nên Bộ Y tế cho biết chưa có đủ cơ sở để đưa ra khuyến cáo cho cả nước. Âu lo vẫn còn thường trực trong dân và cả giới chuyên môn, người quản lý ngành Y...

Đà Nẵng từng nghi ngờ, Cần Thơ đã xin đổi

Vụ việc tai biến sản khoa tại Đà Nẵng được đánh giá là tai nạn y khoa nghiêm trọng khi trong vòng một tháng đã có 3 ca tai biến khiến 2 sản phụ tử vong, một nguy kịch. Qua kiểm tra, Sở Y tế Đà Nẵng đã đặt ngay nghi vấn loại thuốc gây tê tuỷ sống do Ba Lan sản xuất có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Đáng nói, ngay từ vụ việc đầu tiên xảy ra từ ngày 22.10, sản phụ L.H.P.T. (SN 1987, trú quận Hải Châu) tử vong sau khi tiến hành mổ lấy thai tại BV Phụ Nữ, Đà Nẵng đã từng đặt nghi vấn về loại thuốc gây tê này. Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: “Với vụ việc 22.10, sau xem xét báo cáo của BV, chúng tôi cũng đã nghĩ nhiều về tác dụng của thuốc gây tê. Tuy nhiên, theo quy định trong 15 ngày, đơn vị mới có báo cáo tử vong, sau đó mới báo cáo đến Trung tâm kiểm định thuốc thì gặp phải sự việc ngày 17.11. Trong báo cáo nhanh có chuẩn đoán là do thuốc gây tê nhưng để xác định được thì cần hội đồng chuyên môn. Hiện, Sở Y tế đã đưa ra khuyến cáo các cơ sở y tế dừng sử dụng loại thuốc gây tê cùng loại và tìm các loại thuốc thay thế khác. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ đưa thuốc gây tê vào diện kiểm soát đặc biệt”.

Không chỉ vậy, hồi tháng 4.2019, Sở Y tế tỉnh Cần Thơ đã từng xin thay thế thuốc Bupivacaine do Ba lan sản xuất (cùng với loại thuốc BV Phụ Nữ, Đà Nẵng sử dụng) cho BV đa khoa thành phố. Lý do được đưa ra là do thuốc khi được sử dụng tại một số địa phương như Long An, Bến Tre và Cần Thơ thì hiệu quả giảm đau của thuốc không hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài và một số trường hợp gây ra sốc, co giật (theo báo cáo của Hội gây mê khu vực phía Nam và một số BV tại Cần Thơ).

“Vì vậy để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và đủ thuốc kịp thời trong điều trị, Sở Y tế Cần Thơ - chủ đầu tư chấp nhận theo đề nghị của công ty phân phối thuốc được thay thế bằng thuốc Bupivacaine do Pháp sản xuất” - công văn này nêu rõ.

Kiểm tra thuốc mất khá nhiều thời gian

Ngày 21.11, trao đổi về với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện vẫn chưa có kết luận rõ ràng với loại thuốc gây tê tuỷ sống có tên Bupivacaine do Ba Lan sản xuất. “Hiện mẫu thuốc đã được đưa đi kiểm nghiệm và Bộ đang chỉ đạo các đơn vị sớm có kết quả để hội đồng chuyên môn đánh giá. Chúng tôi cần phân tích về độ an toàn của thuốc, có độc chất, có nhiễm trùng hay có tạp chất gì trong đó hay không. Cho đến bây giờ, tỉ lệ sử dụng loại thuốc gây tê trên có số lượng lớn. Một số BV như Từ Dũ, BV Sản C, BV Hùng Vương tại TPHCM đang sử dụng rất tốt. Vậy nên chỉ quy kết cho thuốc thì chưa đủ cơ sở”.

Ông Sơn cho biết, để đánh giá về độ an toàn của thuốc thì cần khoảng 1 tuần, đánh giá tạp chất trong thuốc thì sớm nhất cũng phải mất 1,5 đến 2 tháng. Đối với một loại thuốc xảy ra những phản ứng có hại thì có thể là dị ứng, nặng nhất là sốc phản vệ. Thứ hai là ngộ độc thuốc, thứ ba là thuốc không an toàn, thứ 4 là cách sử dụng thuốc đó không đúng quy trình, kỹ thuật. Nên quy kết cho yếu tố nào thì phân tích hồ sơ bệnh án, hội đồng chuyên môn. “Công việc khuyến cáo về một loại thuốc rất ảnh hưởng đến công tác điều trị, đặc biệt là liên quan đến công tác mua sắm nên Bộ sẽ cân nhắc” - ông Sơn cho hay.

Quảng Nam, Quảng Ngãi ngừng sử dụng thuốc gây tê cùng loại

Qua quá trình sử dụng thực tế lâm sàng, BV Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo ghi nhận bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine do Ba lan sản xuất có những biểu hiện mạch nhanh, tụt huyết áp kéo dài, giảm đau và giãn cơ không tốt. Bên cạnh đó với báo cáo của Hội gây mê khu vực phía Nam và một số bệnh viện tại Cần Thơ, Đà Nẵng, để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người sử dụng, Sở Y tế Quảng Ngãi đã chỉ đạo ngưng sử dụng loại thuốc gây tê trên. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế ngưng sử dụng thuốc gây tê tương tự. THANH CHUNG

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn