MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án giao thông xanh cần nguồn lực hỗ trợ lớn từ các gói tín dụng. Ảnh: Phạm Đông

Tài chính xanh - bệ đỡ cho giao thông xanh

Xuyên Đông LDO | 13/09/2024 09:16

Muốn phát triển giao thông xanh cần rất nhiều nguồn lực tài chính. Vì lẽ đó, doanh nghiệp muốn mạnh dạn chuyển đổi xanh thì không thể thiếu “trợ lực” tài chính từ các cơ quan trong, ngoài nước.

Hỗ trợ từ thuế

Trao đổi chính sách hỗ trợ xe thân thiện với môi trường thông qua chính sách thuế, bà Trần Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính - cho biết, thời gian qua cũng như trong thời gian sắp tới Nhà nước luôn luôn đề cao và ưu tiên phát triển các lĩnh vực giúp giảm phát thải carbon, bao gồm việc phát triển lĩnh vực ôtô điện thân thiện với môi trường.

“Đây là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và chú trọng ưu tiên. Quốc hội cũng như Chính phủ đã ban hành nhiều các chính sách thuế và lệ phí, tiền thuê đất nhằm thúc đẩy phát triển các đầu tư sản xuất, lắp ráp cũng như là khuyến khích các chủng loại xe thân thiện với môi trường” - bà Ngọc nhấn mạnh.

Trong đó, đối với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã chủ trì và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020 đưa chương trình ưu đãi đối với cả ngành sản xuất, lắp ráp ôtô. Với các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô điện thực hiện theo chương trình ưu đãi này, các linh kiện sản xuất, lắp ráp ôtô đã sản xuất được áp dụng thuế suất nhập khẩu là 0%.

Chính sách này đã duy trì, tiếp tục áp dụng tại Nghị định số 26/2023 NĐ-CP. Từ sau năm 2027, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đánh giá xem chính sách còn phù hợp hay cần thay đổi để trình Chính phủ ban hành các chính sách mới cho phù hợp.

Cần tín dụng phát triển giao thông xanh

Không chỉ cần các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua thuế, tại Tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư" do Bộ GTVT tổ chức tháng 8 vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần thêm các giải pháp phát triển giao thông xanh như bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay giao thông xanh hay phát hành trái phiếu xanh.

Ông Đỗ Lê Ninh - đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) - cho biết, mục tiêu của ADB là từ nay đến 2030 sẽ giải ngân 100 tỉ USD để đối phó với biến đổi khí hậu và giảm khí thải carbon. Tuy nhiên, muốn tiếp cận nguồn vốn này phải có 2 yếu tố là mang lại tác động phát triển lớn (như chuyển đổi phát triển giao thông điện) và thứ hai là khả thi về tài chính.

“Nhưng trên thực tế làm sao xác định được dự án có xanh hay không. Hiện thế giới có nhiều nguồn có thể xác nhận nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Để xác định vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi” - ông Ninh chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này nhiều chuyên gia cho rằng thời gian tới, Chính phủ cần vào cuộc bảo lãnh cho các dự án giao thông xanh.

Ông Đỗ Lê Ninh thông tin thêm, trên thực tế tại các nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan, ADB đã thực hiện từ 2-3 giao dịch, tuy nhiên đến hiện tại ở Việt Nam, mới có một giao dịch với VinFast. Đó là dự án vay vốn xanh cho xe điện VinFast cung cấp gói tài chính khí hậu trị giá 135 triệu USD để hỗ trợ hoạt động kinh doanh xe điện, gồm sản xuất đội xe buýt công cộng chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của Việt Nam và sản xuất mạng lưới trạm sạc công cộng.

Gói tài chính khí hậu kể trên gồm khoản vay 20 triệu USD từ ADB, khoản cho vay song song 87 triệu USD do ADB tạo điều kiện với tư cách là đơn vị thu xếp chính được ủy quyền và khoản tài trợ ưu đãi 28 triệu USD.

Cùng đó, ADB cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật theo Hợp tác One ADB và hỗ trợ VinFast trong quá trình xác minh khoản vay xanh. Do đó, thời gian tới bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà nước cần vào cuộc hơn nữa trong việc bảo lãnh quốc tế cho các khoản vay phát triển giao thông xanh. Có như vậy, các đơn vị tiên phong mới thêm nguồn lực vững bước phát triển xanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn