MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tái diễn tình trạng chiếm dụng không gian phố đi bộ Hồ Gươm bán hàng rong

HỮU CHÁNH LDO | 22/02/2023 08:23
Hà Nội - Từ cuối tháng 5.2022, hoạt động buôn bán hàng rong ở phố đi bộ Hồ Gươm chính thức bị cấm. Tuy nhiên đến nay, nhiều người dân vẫn bất chấp buôn bán sai quy định, tạo nên khung cảnh bát nháo, hỗn loạn ngay giữa trung tâm thành phố.

Tràn lan hàng rong trong khuôn viên phố đi bộ

Ghi nhận của Lao Động thời điểm hơn 20h ngày 19.2 tại phố đi bộ Hồ Gươm cho thấy, dù xung quanh đều có biển báo cấm bán hàng rong nhưng vẫn có hàng chục xe hàng rong đủ loại xuất hiện trong khuôn viên tuyến phố đi bộ này.

Theo quan sát, hàng rong xuất hiện ở giữa lòng đường, vỉa hè và ngay sát bờ hồ Hoàn Kiếm. Trung bình cứ cách vài chục mét lại có 1 - 2 xe hàng.

 Xe chở hàng rong đi vào phố đi bộ. Ảnh: Hữu Chánh

Nhiều hàng ghế nhựa được đặt ra trong khuôn viên phố đi bộ cho khách ngồi ăn uống. Các xe này bán đủ loại, từ cá viên chiên, đồ ăn vặt, các loại nước giải khát, kem...

Điều này tạo nên cảnh tượng nhếch nhác, ảnh hưởng rất lớn đến không gian vui chơi giải trí của người dân, đồng thời gây mất trật tự, mỹ quan đô thị ngay tại trung tâm Thủ đô.

Có hàng chục hàng rong ở phố đi bộ hồ Gươm. Ảnh: Hữu Chánh

Dù vi phạm diễn ra ngang nhiên, tuy nhiên theo ghi nhận, trong tối và đêm 19.2, không có bóng dáng lực lượng chức năng tiến hành tuần tra, nhắc nhở những người buôn bán hàng rong vi phạm.

Đến hơn 23h đêm, hàng chục xe hàng rong vẫn nhan nhản trong phố đi bộ để phục vụ cho người dân và du khách ở lại tới tận khuya nếu có nhu cầu.

Anh Nguyễn Đình Nam (25 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) thường có thói quen cùng nhóm bạn đến phố đi bộ Hồ Gươm để vui chơi, thư giãn vào mỗi dịp cuối tuần.

Hàng rong gây mất mỹ quan, nhếch nhác bộ mặt đô thị. Ảnh: Hữu Chánh

Anh Nam cho biết, việc hàng rong buôn bán tràn lan ở phố đã diễn ra trong thời gian dài vừa qua. Điều này gây mất mỹ quan, tạo nên khung cảnh nhếch nhác. 

"Khi thành phố đang bắt đầu đón tiếp du khách nước ngoài đến du lịch sau một thời gian dài dịch bệnh thì chính quyền địa phương cần phải xử lý nghiêm minh để lập lại mỹ quan thành phố, tạo ấn tượng đẹp cho du khách khi đến với Thủ đô" - anh Nam nói.

Còn theo chị Nguyễn Bích Ngọc (27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), câu chuyện “dẹp hàng rong” tồn tại suốt nhiều năm kể từ khi phố đi bộ Hồ Gươm ra đời. Điều này chứng tỏ nhu cầu hàng rong trên tuyến phố đi bộ không phải là không có.

 Hàng ghế bày biện giữa lòng đường. Ảnh: Hữu Chánh
Vỉa hè cũng cũng trở thành nơi bán hàng rong. Ảnh: Hữu Chánh

“Chính quyền nên xem xét thành lập một khu ẩm thực ngay sát phố đi bộ hoặc dành một phần phố đi bộ để tạo ra không gian ẩm thực có kiểm soát, cũng là điều nên làm” - chị Ngọc nói.

Đồng thời, theo chị Ngọc, giá cả buôn bán cũng nên được kiểm soát, tránh để người bán bán quá đắt, chặt chém khách hàng làm ảnh hưởng xấu tới bộ mặt của phố đi bộ như vụ việc 80.000 đồng/củ khoai nướng cách đây không lâu.

Vì sao khó xử lý?

Từ cuối tháng 5.2022, hoạt động buôn bán hàng rong ở phố đi bộ Hồ Gươm chính thức bị cấm. Chỉ có một số mặt hàng được cấp phép kinh doanh như bóng bay nghệ thuật, nặn tò he, vẽ truyền thần... Tuy nhiên, nhiều người vẫn bất chấp lệnh cấm. 

Mặt hàng hoa quả được bày bán. Ảnh: Hữu Chánh
Một loạt xe bán hàng rong ở ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Hữu Chánh

Theo quy định, bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đối với tổ chức. Tuy nhiên, để xử phạt thì không dễ dàng.

Ông Vũ Văn Cương - Đội an ninh trật tự hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội - cho hay, hàng ngày, nhất là dịp cuối tuần, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự vẫn thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình trạng bán hàng rong ở phố đi bộ.

Tuy nhiên, với “trăm phương nghìn kế” và vô vàn cách ngụy trang, những người bán hàng rong vẫn xuất hiện.

 Ghế nhựa được xếp kín vỉa hè. Ảnh: Hữu Chánh
 Hàng ghế được sắp xếp sát mép hồ Gươm. Ảnh: Hữu Chánh

"Chức năng của lực lượng trật tự hồ Hoàn Kiếm chỉ là thuyết phục, vận động, tuyên truyền nhắc nhở những trường hợp vi phạm. Còn việc xử lý thuộc lực lượng Công an.

Bên cạnh đó, lực lượng mỏng cũng là một trong những bất cập, khó khăn trong việc tuần tra, xử lý những trường hợp vi phạm" - ông Cương nói.

Ngay chính người bán hàng rong cũng thừa nhận với phóng viên: "Bị nhắc nhở như cơm bữa, họ đến thì mình chạy, cũng chỉ vì mưu sinh cả thôi”. Sau khi không có động tĩnh gì thêm, việc buôn bán đâu lại vào đấy.

Có lẽ đây cũng là lý do khiến tình trạng trên tái diễn. Do đó, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng ở phố đi bộ thì khó có thể dẹp bỏ được tình trạng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn