MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mối nguy hiểm từ việc nuôi chó thả rông. Ảnh: Cẩm Tú

Tái diễn tình trạng chó thả rông, không rọ mõm khiến người dân lo sợ

PHẠM ĐÔNG - CẨM TÚ LDO | 26/02/2023 08:54

Mặc dù đã có quy định xử phạt nhưng nhiều người vẫn bất chấp quy tắc thả rông chó ra đường, không đeo rọ mõm cũng không xích gây bất an cho người dân.

Chó thả rông là mối ẩn họa khôn lường, khiến cho người dân lo lắng và bức xúc. Hiện nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã, phường của thành phố vẫn có thói quen thả rông chó ra đường mà không đeo rọ mõm. Tình trạng này làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường.

Đầu năm 2022, thành phố Hà Nội đã có hơn 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã, góp phần hạn chế tình trạng chó chạy tự do ngoài đường. Dù vậy, công tác xử lý vẫn gặp không ít khó khăn.

Chó xích ngoài đường phố nhưng không đeo rọ mõm. Ảnh: Cẩm Tú

Theo ghi nhận của Lao Động ngày cuối tuần, bên cạnh một số nơi chấp hành thì vẫn còn tình trạng dắt cho đi dạo mà không đeo rọ mõm như tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, công viên Thống Nhất. Điều này cho thấy nhiều người dân Hà Nội còn lơ là và chưa ý thức được mức độ nguy hiểm.

Tại công viên Thống Nhất, các đơn vị chức năng đã có biển cảnh báo, đưa ra mức phạt được đặt tại các lối ra vào của công viên nhưng nhiều người vẫn phớt lờ.

Người dân vô tư dắt chó đi dạo tại công viên Thống Nhất nhưng không đeo rọ mõm cho vật nuôi. Ảnh: Cẩm Tú

Cụ thể, theo biển cảnh báo, Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định hành vi nuôi chó gây nguy hiểm sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 với các lỗi không đeo rọ mõm, không xích giữ, không có người dắt khi ra nơi công cộng, không tiêm phòng dại.

Đặc biệt, chủ nuôi chó sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 1.000.000 đồng với hành vi thả rông chó gây thiệt hại cho người khác. Bên cạnh đó, chó thả rông sẽ bị bắt và tiêu hủy sau 72h nếu không có người đến nhận.

Một chú chó được đeo rọ mõm tại công viên Thống Nhất. Ảnh: Cẩm Tú
Chó thả rông trong công viên gây nguy hiểm cho người dân. Ảnh: Cẩm Tú

Chị Nguyễn Hồng Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dù đã có quy định xử phạt, tuy nhiên vẫn còn không ít người thiếu ý thức, thả rông chó ra đường, không đeo rọ mõm, không xích. Thực tế này đang gây bất an cho người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, khi đã có những vụ việc thương tâm xảy ra do chó cắn.

“Chính quyền địa phương nên cấm tuyệt đối với những loài chó to, hung dữ vì những loài chó này rất nguy hiểm cho người dân chúng tôi, đặc biệt là trẻ em. Thực tế trước mắt vẫn còn bắt gặp nhiều hình ảnh thả rông chó ngoài đường. Điều gì sẽ xảy ra nếu những con chó này chưa được tiêm phòng dại cắn người. Mối nguy hại này sẽ luôn rình rập người dân xung quanh và người đi đường" - chị Ngọc cho hay.

Người dân dắt chó đi dạo tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Cẩm Tú

Vừa mới phải tiêm 5 mũi phòng dại cách đây một tháng, anh Phùng Phú Đô (Cầu Giấy) đã phải bỏ ra đến gần 3 triệu đồng cho chi phí tiêm. Dù đã được tiêm sau khi bị chó cắn, tuy nhiên anh Đô vẫn còn lo sợ về tình trạng sức khỏe bản thân. 

"Vấn đề nuôi, thả chó là ý thức chung của chủ vật nuôi, bởi khi nơi công cộng, công viên hay ngoài đường. Chúng ta không thể lường trước hành vi của chó, đặc biệt ở nơi có trẻ con lại càng nguy hiểm, chính vì vậy tôi thấy cần phải xử lý nghiêm hơn nữa. 

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm khi người chủ vội vàng chạy đến ôm vật nuôi và lùa về nhà khi thấy lực lượng chức năng. Thậm chí những người còn cố cản trở khi cán bộ phường đang vây bắt vật nuôi thả rông của gia đình mình" - anh Đô đề nghị.

Người dân thả rông chó tại đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy. Ảnh: Cẩm Tú

Bệnh dại thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn