MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đốt rơm rạ là phương án được hầu hết nông dân lựa chọn để xử lý phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Khánh Linh

Tái diễn tình trạng đốt rơm rạ sau mùa gặt ở Hà Nội

Khánh Linh LDO | 30/05/2023 07:33
Hà Nội - Sau mùa gặt, nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội lại bắt đầu đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông trên những tuyến đường. 

Những ngày cuối tháng 5, có mặt tại huyện Quốc Oai, theo ghi nhận của PV, người dân đang hối hả thu hoạch vụ lúa xuân hè.

Bên cạnh không khí nhộn nhịp thu hạt "ngọc trời" đưa về nhà sau một mùa vụ vất vả, bà con lại tất tả thu rơm đốt để chuẩn bị làm đất cho vụ cấy tiếp theo. 

Rơm khô được thu lại, chất thành đống, châm mồi lửa rồi bùng cháy lên giữa nắng hè oi ả. Từng làn khói cuồn cuộn bay lên, mịt mù cả một góc trời, bao trùm những con đường làng và cả đường lớn xe cộ nhộn nhịp.

 Sau mùa gặt, tình trạng đốt rơm rạ lại tái diễn. Ảnh: Khánh Linh

Đôi tay hối hả ôm từng bó rơm chất thành đống, ông Tạ Văn Sinh (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) chia sẻ: "Đốt rơm cho sạch ruộng để còn làm mạ, rồi lấy tro bón ruộng. Còn ruộng nào không gieo mạ thì dọn rơm gọn lại để khi cày, bừa không bị cuốn vào máy".

Theo ông Sinh, đốt rơm rạ là thói quen lâu đời của những người nông dân nơi đây. Đây cũng là cách nhanh, gọn nhất để thu dọn phụ phẩm nông nghiệp sau mỗi vụ mùa, đồng thời để kịp làm đất cho vụ sau. 

 Người dân gom rơm rạ chất thành đống để dễ dàng đốt cháy. Ảnh: Khánh Linh

Khói từ rơm rạ ở những cánh đồng đã bao trùm cả những con đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đặc biệt, tại Quốc Oai, khu vực đốt rơm rạ gần sát với Đại lộ Thăng Long và Tỉnh lộ 421B, nối thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ). 

Chị Bùi Thúy Ngân (26 tuổi, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội), thường xuyên đi qua khu vực này cho biết: "Mấy hôm nay, chiều nào cũng vậy, cứ đi qua đây là khói rơm rạ mịt mù. Những hôm trước chiều về, trời chuẩn bị đổ mưa, khói không thoát được, bay ngang ra đường khiến người đi đường giảm tầm nhìn, không quan sát được, rất nguy hiểm". 

 Khói rơm rạ bao trùm trên Tỉnh lộ Tỉnh lộ 421B, nối thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ). Ảnh: Khánh Linh 

Theo tìm hiểu của PV, kết quả kiểm kê phát thải từ hoạt động đốt rơm rạ thuộc Dự án “Xây dựng bản đồ về khối lượng rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ruộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố, vụ xuân năm 2022, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn TP Hà Nội là 85.188ha, tương ứng với khối lượng rơm rạ khô người dân bỏ lại khoảng 402.930 tấn; tập trung ở các huyện Phúc Thọ, Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ...

Bằng mô hình tính toán lan truyền chất ô nhiễm, các nhà khoa học cho thấy, bụi và khí thải từ đốt rơm rạ có thể lan truyền trong không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả những người không sống gần khu vực đốt rơm rạ. Bên cạnh đó, tăng ô nhiễm không khí, tăng khả năng mắc các bệnh hô hấp và tim mạch. Đặc biệt, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông. 

 Bất chấp phía trên là dây điện, người dân vẫn vô tư đốt rơm rạ cạnh Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Khánh Linh

Các chuyên gia môi trường cho rằng, đốt rơm rạ dễ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM 2.5, PM 10, black cacbon, NOX... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính những người dân.

Một số chuyên gia y tế khuyến cáo, khói rơm rạ cũng được cho là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh liên quan đến hô hấp như phổi tắc nghẽn mãn tích và hen suyễn. 

Ngày 18.9.2020, TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ. Trong đó, Chỉ thị nhấn mạnh, từ ngày 1.1.2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải khác không đúng quy định trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc đốt rơm rạ vẫn tái diễn ở hầu khắp các địa phương khu vực ngoại thành Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn