MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau nhiều năm tái định cư, người dân vùng Dự án thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My, Quảng Nam vẫn chưa thể an cư. Ảnh: HOÀNG BIN

Tái định cư thủy điện Sông Tranh 2, sau 15 năm vẫn chưa an cư

Hoàng Bin LDO | 05/05/2023 08:02

Hơn 15 năm trước, người dân miền núi Bắc Trà My, Quảng Nam nhận được khoản tiền “cả đời không dám mơ” để nhường đất cho dự án thủy điện Sông Tranh 2. Những tưởng cuộc đời họ sẽ được sang trang, nhưng hiện tại lại đối mặt với tương lai mờ mịt. Vì đâu nên nỗi?

Tiêu hết tiền đền bù rồi thất nghiệp

Theo Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Bắc Trà My, năm 2006, Dự án thủy điện Sông Tranh 2 được triển khai trên địa bàn huyện Bắc Trà My. Tổng cộng 834 hộ dân của 3 xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác ảnh hưởng bởi dự án này được di dời đến nơi tái định cư (TĐC) mới. Khi TĐC, người dân được cấp 1.000 m2 đất và 1 căn nhà cấp 4, mỗi hộ nhận tiền đền bù ít nhất 300 triệu đồng, cao nhất hơn 1 tỉ đồng.

Đây là số tiền rất lớn, được ví như cả gia tài đối với người dân miền núi cách đây hơn 15 năm và họ bắt đầu giấc mơ đổi đời…

Ngay khi nhận số tiền đền bù hơn 300 triệu đồng, nhà bà Hồ Thị Đường (60 tuổi, trú xã Trà Đốc) bắt đầu mua sắm đồ đạc “hàng hiệu”, mua 2 chiếc xe máy, còn lại lo cho con ăn học, chi tiêu hàng ngày nên dần cạn kiệt. Đến khi hết tiền, bà Đường mới đi làm, nhưng vì thiếu đất sản xuất nên lúa thu hoạch không đủ ăn. Nhà ở xuống cấp cũng không có tiền để tu sửa lại.

Đây là thực trạng đáng buồn của hầu hết người dân vùng TĐC dự án thủy điện Sông Tranh 2.

Ngồi trong căn nhà sàn chưa đầy 15 m2, dựng sát bên ngôi nhà cấp 4 bỏ hoang, ông Nguyễn Văn Dũng (61 tuổi, trú xã Trà Bui) buồn rầu kể: “Năm 2007, gia đình tôi nhận căn nhà TĐC ở được vài năm thì tường hỏng, bong ra mảng lớn rộng hơn 2 m. Tôi có báo chính quyền địa phương nhưng không thấy họ sửa nên dựng nhà sàn bên cạnh để ở hơn 10 năm nay rồi”.

Những ngôi nhà TĐC qua nhiều năm sử dụng, bị xuống cấp, hư hỏng nhưng người dân không có tiền sửa sang nên bỏ hoang phế hoặc tận dụng làm khu nuôi nhốt gia súc hoặc chấp nhận sống chung với nguy hiểm tiềm ẩn khi mùa mưa bão đến.

Theo ông Hồ Cao Quý, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, khí hậu miền núi mưa nhiều khiến nhà xây nhanh hư hỏng, cùng với thói quen xưa nay của người đồng bào sử dụng nhà sàn gỗ nên không quan tâm, tu sửa căn nhà xây. Một phần lỗi chủ quan nữa là người dân nhận số tiền đền bù lớn, nhưng không biết chi tiêu hợp lí dẫn đến hết tiền, không có điều kiện sửa nhà.

“Toàn xã Trà Đốc có 74 hộ dân được di dời về nơi TĐC. Lúc mới nhận tiền, UBND xã đã tuyên truyền bà con nên gửi tiền ngân hàng lấy lãi tiêu dần. Người dân cũng thực hiện nhưng chỉ được mấy hôm thì ra ngân hàng rút tiền về mua sắm đồ đạc, tiêu xài hết. Chỉ có số ít người sử dụng tiền mua đất, mở rộng đầu tư chăn nuôi thu lợi nhuận cao, vươn lên làm giàu” - ông Quý cho biết thêm.

Loay hoay vì thiếu đất sản xuất

Từng là nông dân sản xuất giỏi tại địa phương, không lo cái ăn, cái mặc, nhưng từ khi về ở khu TĐC, gia đình ông Hồ Văn Thương (67 tuổi, trú xã Trà Bui) đối mặt với rất nhiều khó khăn. Số tiền 300 triệu đồng được đền bù 14 năm về trước, ông Thương lo cho con cái ăn học, chi tiêu đã hết sạch.

“Từ ngày về đây, không còn đất canh tác, đến mùa người dân khai thác rẫy keo, tôi xin họ làm 1 vụ lúa được vài bao gạo ăn. Gia đình đông người, cuộc sống túng thiếu, mới đây, tôi đành phải cho đứa út học lớp 8 nghỉ học để phụ giúp gia đình” - ông Thương ngậm ngùi.

Do ở nơi TĐC không có đất canh tác nên hầu hết người dân đành vượt đường xa gần 10 km quay lại dựng trại chăn nuôi trên phần đất còn lại dưới lòng hồ thủy điện để tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên, mới đây có thông tin  BQL rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My sẽ thu hồi diện tích này vì thuộc phạm vi đất rừng phòng hộ, khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Lí giải về việc người dân TĐC thủy điện Sông Tranh 2 thiếu đất sản xuất, ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Bắc Trà My - cho biết, theo chính sách di dời dân, địa phương và BQLDA Thủy điện 3 sẽ thu hồi đất bị ảnh hưởng dự án, sau đó cấp lại đất từ 1,2 - 1,8 ha sản xuất tại nơi ở mới. Tuy nhiên, thời điểm đó, hầu hết người dân đều có nhu cầu nhận tiền đền bù và UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất, đồng ý cho người dân nhận tiền.

Đây chính là nguyên nhân khiến đa số các hộ dân di dời theo kế hoạch bị thiếu đất sản xuất, quay về sản xuất trên diện tích còn lại tại lòng hồ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn