MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Vũ Trọng Hồng. Ảnh: T.L

Tai họa ở miền Trung đã được cảnh báo trước

Thùy Linh (thực hiện) LDO | 30/10/2020 19:53

Về tình hình mưa lũ gây ra sạt lở nặng nề đang diễn ra tại miền Trung, trao đổi với phóng viên Lao Động, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng: Đã có tình trạng chủ quan trong vấn đề phòng chống thiên tai.

Cảnh báo trước, nhưng địa phương bỏ qua

Thưa GS, ông đánh giá như thế nào về tình hình mưa lũ, sạt lở đang diễn ra khốc liệt ở miền Trung?

- GS Vũ Trọng Hồng: Rừng bị phá, thảm thực vật bị mất đi, nên lũ mới lớn như vậy. Vì nếu có thảm thực vật, nước mới ngấm xuống đất, mỗi hécta rừng có thể thu được 4m3 nước. Mưa xuống, nước sẽ chia làm mấy nhánh, một là sẽ ngấm xuống đất, vướng trên lá rồi bốc hơi, còn lại thì sẽ chảy thành lũ. Mất rừng, chẳng còn gì cả, đất không thấm nước, lá cũng không còn, lũ sẽ mạnh. Lũ mạnh, chảy tràn lên.

Những chỗ bị sạt lở đều là đất trơ trọi, không có thảm thực vật. Khi mưa, nước sẽ dần thấm vào, lớp đất ấy đã bị tác động từ lâu, nắng lên, đất sét đã bị phong hóa, sau đó, trọng lượng tăng do mưa dồn xuống, theo nguyên tắc trên độ dốc sẽ trượt khi lực đẩy xuống lớn hơn lực giữ. Lực giữ ở đây đã kém do đất sét bị phong hóa vì phá rừng, mất thảm thực vật. Xây thủy điện, phá rừng đã làm cho đất bị phong hóa, từ phong hóa làm thay đổi kết cấu của đất, lực giữ giảm đi, chưa kể mưa dồn mạnh hơn vì không còn dòng chảy mặt, trọng lượng tăng lên, lực giữ kém nên mới xảy ra sạt lở...

Sạt lở đất đã lấy đi tính mạng của nhiều người. Chúng ta có dự báo được sạt lở đất để cảnh báo cho người dân không, thưa ông?

- Tình trạng sạt lở này nếu càng mưa nhiều sẽ càng sạt mạnh. Sông miền Trung ngắn và dốc, đất dốc và nhiều lớp sét. Từ xưa đã có cảnh báo nếu xây dựng hồ chứa và đập tràn ở miền Trung thì phải cẩn thận vì đất không thấm nước, không đắp được vì không thấm nước nhưng đã không có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này ở miền Trung, chỉ có Viện Địa chất và khoáng sản từng cảnh báo ở Thừa Thiên-Huế.

Họ đã cảnh báo bằng bản đồ địa chất, khi nào sạt lở, chỗ nào sạt lở. Tôi xin phân tích đơn cử vụ việc ở Rào Trăng 3, để có thể rút ra được kinh nghiệm. Tình hình ở Rào Trăng 3 đã được dự báo và cảnh báo từ trước. Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã từng lập bản đồ sạt lở ở Rào Trăng 3, khi phê duyệt thủy điện Rào Trăng 3, họ có đề nghị với tỉnh Thừa Thiên-Huế vấn đề này, tuy nhiên, UBND tỉnh đã không chủ trì việc này mà giao cho Sở Công Thương, Sở nghe doanh nghiệp trình bày và giao cho doanh nghiệp quyết định.

Sạt lở đất đã được cảnh báo rồi, các nhà khoa học đã gửi bản đồ sạt lở đất cho tỉnh mà tỉnh không triển khai. Từ dự báo cảnh báo của các chuyên gia, thì chúng ta phải đặt ra vấn đề chỗ nào sạt lở và bao giờ sạt lở để phòng tránh từ trước. Chúng ta đã mất người ở Rào Trăng 3. Rất đau xót.

Tại sao tình trạng sạt lở đất ở miền Trung lại nặng nề như vậy?

- Địa hình, địa chất miền núi phía Bắc khác với miền Trung, thường là vùng đất bị phong hóa, cho nên cứ mưa xuống là trôi, vì thế miền núi phía Bắc sạt lở là biết ngay. Nhưng miền Trung lại là miền đất sét nhiều, cấu trúc đất sét ở địa tầng giữ với nhau theo từng lớp, giữ nhau, nước xuống dính vào nhau.

Tuy nhiên, 1 thời gian dài miền Trung bị nắng hạn, lớp đất sét biến thành bụi, không còn là sét nữa, mưa xuống là tăng thêm trọng lượng cho đất, trong khi lớp dính không còn nên mới sạt trượt như vậy. Nguyên nhân khoa học rất cơ bản. Chúng ta không kịp tính toán chuyện này, chỉ cảnh báo chung. Vì vậy, đã có sự chủ quan.

Tôi đề nghị, phải xem xét thật kỹ trách nhiệm của các đơn vị.

Phải vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu

Câu chuyện cảnh báo, kiểm tra rất quan trọng, nhưng có vẻ như chúng ta đang yếu?

- Tôi kiến nghị các Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, phải có trách nhiệm ngay từ đầu mùa lũ. Tôi cho rằng phải quy định lại quy trình làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai. Khi chưa có mưa gió đã phải làm, phải thực hiện nhiệm vụ. Thực tế của chúng ta, việc dự báo, cảnh báo bão, lũ, sạt lở chưa đủ độ tin cậy vì không đi kiểm tra.

Tôi đã nhìn lại những gì chúng ta đã làm và nhận thấy, dự báo về thủy văn kém quá. Đây là lỗi của chúng ta không đầu tư cho lĩnh vực thủy văn. Thủy văn có gì mạnh nhất? Chỉ có 8 cái rada ở ven biển và phía Sơn La có 1 chiếc, phóng rada đo cơn bão, nhưng chỉ đo được bão thôi. Còn về thủy văn đo nước thì chúng ta chỉ có một số trạm dòng chảy và một số trạm đo thủy văn, đúng ra, mỗi xã phải có một cái. Làm cột chống, bình chứa nước rồi dạy họ cách đo, đọc đi đọc lại thì chúng ta không hề có. Chúng ta thiếu trạm đo thủy văn, trạm đo dòng chảy.

Các địa phương không đo được lượng mưa, chủ yếu trên trung tâm của tỉnh đo thôi. Như vậy, năng lực thủy văn quá yếu, cần phải được đầu tư để phòng chống, dự báo thật tốt trước thiên tai, chứ không chỉ nặng về cứu hộ cứu nạn như hiện nay.

Nguyên nhân nào dẫn đến những yếu kém như vậy, thưa giáo sư?

- Chúng ta thiếu về lực lượng chuyên gia. Trong thành viên Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai toàn là trưởng các bộ phận, không hề có chuyên gia nào. Một vấn đề lớn là sạt lở đất hiện nay, rồi các tai họa khác như lũ ống lũ quét, phải xây dựng đội ngũ chuyên gia thật mạnh mới có thể dự báo được.

Tại sao bổ sung lực lượng phòng chống thiên tai nhưng quên mất lực lượng chuyên gia? Trong khi đó, các nước khác có kinh nghiệm họ dùng các chuyên gia rất nhiều, họ có trình độ, dự báo được và điều hành được, trang thiết bị các tỉnh cũng có. Tôi cho rằng về tổ chức chỉ đạo phòng chống thiên tai, cách làm đều phải được điều chỉnh lại cho phù hợp.

Đợt này ở miền Trung đã bị rất nặng, chúng ta bất ngờ khi tình trạng sạt trượt mạnh như thế nhưng hóa ra, Viện Nghiên cứu Khoáng sản và Địa chất đã có báo cáo rồi, báo cáo từ 2019, đến tháng 6.2020 đưa ra bản đồ, nhưng tỉnh Thừa Thiên-Huế không triển khai. Các nhà khoa học nói, nhưng lại không được ủng hộ.

Cuối cùng, phải có chuyên gia, phải nghiên cứu, tích lũy. Nhưng chúng ta thiếu chuyên gia, thì chúng ta khó có thể phát triển được trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. Phòng chống thiên tai không thể chỉ sử dụng sức mạnh được, mà phải sử dụng ý chí, tư duy, kiến thức. Nếu chuyên gia đi kiểm tra, cắm cái cờ đỏ vào vùng nguy hiểm, thì sẽ không có ai dám đến ở đó cả.

Xin cảm ơn giáo sư!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn