MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Tuý Loan. Ảnh: ĐT

Tái khởi động BOT giao thông sau 5 năm đình trệ

Đặng Tiến LDO | 14/05/2021 11:21

Dự án đường cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là 2 dự án giao thông đầu tiên được triển khai theo mô hình BOT sau 5 năm mô hình này bị đình trệ vì khó huy động vốn đầu tư xã hội.

Cần có cơ chế để điều chỉnh

Theo Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) - ông Lê Kim Thành - hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng vốn đầu tư 11.157 tỉ đồng là dự án thứ hai được Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư sau dự án Nha Trang - Cam Lâm. Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là một trong những dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, sử dụng phần vốn góp Nhà nước (VGF) để đánh giá tài chính thương mại. Đồng thời, dự án này cũng được cập nhật quy định chuyển tiếp của Luật PPP và các nghị định hướng dẫn trong quá trình đàm phán hợp đồng.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng, việc tổ chức đàm phán, ký hợp đồng thành công ngoài việc thúc đẩy phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng an ninh, còn mang ý nghĩa rất to lớn trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua. Đây là tín hiệu tích cực đối với môi trường đầu tư PPP trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Đại diện nhà đầu tư, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp - ông Phạm Đình Hạnh - cho rằng, doanh nghiệp sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực, đổi mới, sáng tạo trong công tác quản trị, điều hành để hoàn thành dự án và đưa vào khai thác sử dụng tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt theo đúng tiến độ yêu cầu.

Vì sao BOT đình trệ nhiều năm?

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Nhật, từ năm 2015 đến nay Bộ GTVT chưa triển khai bất kỳ một dự án BOT giao thông nào, trước đó từ 2011-2015 đã triển khai 88 dự án BOT. Tuy nhiên suốt trong các năm 2019-2020, Bộ GTVT đã tiếp 126 đoàn thanh tra và Kiểm toán Nhà nước để ra 126 kết luận. Đây là những bài học kinh nghiệm để thực hiện các dự án BOT giao thông cho chuẩn chỉ hơn, công khai minh bạch hơn.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng, việc huy động vốn trong dân rất khó, cùng đó một số dự án BOT cũng đang vướng phải nợ xấu. Do đó, thông qua các dự án nhà đầu tư thể hiện bản lĩnh của mình trong đầu tư. Luật PPP ra đời và có hiệu lực từ 1.1.2021 đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP, trong đó có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Do đó theo ông Lê Kim Thành, việc dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được đàm phán và tổ chức ký hợp đồng thành công là tín hiệu tích cực cho công tác xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vốn đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, đặc biệt là khi những đoạn tuyến còn lại thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông chắc chắn sẽ được triển khai theo hình thức PPP.

Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vào cuối tháng 4.2021.

Trong đó Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT căn cứ sự cần thiết, tính cấp bách, tính hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực để lựa chọn các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông những nơi thật cần thiết.

Hiện Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Liên quan đến việc Quảng Ninh đang triển khai mô hình mẫu về hợp tác công - tư, nhất là trong việc chủ động đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Bộ GTVT sẽ đề xuất Chính phủ có sự thay đổi, điều chỉnh.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng, cần có các tiêu chí cụ thể để địa phương chủ động về giải phóng mặt bằng và khan hiếm nguồn vật liệu. Chủ đầu tư không quan tâm việc các nhà thầu lấy nguồn vật liệu ở đâu mà chỉ quan tâm đến chất lượng và tiến độ công trình theo hợp đồng đã ký căn cứ trên giá được địa phương công bố. Giá này theo định mức giá của Bộ Xây dựng quy định, Bộ GTVT lấy căn cứ đưa vào hợp đồng, địa phương phải giám sát nguồn. Do đó, cần có cơ chế đặc thù để địa phương triển khai, nhất là các dự án trọng điểm quốc.

Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hình thành gói tín dụng ưu đãi để các ngân hàng thương mại cung cấp vốn cho dự án và bổ sung Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, trong 5 năm tới, Bộ GTVT sẽ phải đầu tư 762km còn lại gồm: Đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (142km) với quy mô 4 làn xe được chia thành 12 dự án thành phần, thực hiện theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT) lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Trong số 12 dự án này, Bộ GTVT ưu tiên triển khai đầu tư 486km gồm 8 dự án thành phần thuộc các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Bình dài 148km, Quy Nhơn - Nha Trang là 196km và Cần Thơ - Cà Mau dài 142km với vốn Nhà nước khoảng 45.798 tỉ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025. Đối với 276km thuộc 4 dự án thành phần còn lại của đoạn Quảng Bình - Quảng Trị là 119km và Quảng Ngãi - Quy Nhơn dài 157km, do nhu cầu vận tải chưa cao, trước mắt, sẽ sử dụng khoảng 7.873 tỉ đồng vốn Nhà nước để thực hiện trước công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn