MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đứa trẻ vùng cao Điện Biên vẫn có thói quen vô tư tắm, nô đùa ở sông, suối mà không có sự giám sát của người lớn. Ảnh: S.A

Tai nạn thương tích trẻ vùng cao - bài toán chưa có lời giải

SONG AN LDO | 07/04/2021 07:00
Mới đây, một vụ việc 2 trẻ tử vong do đuối nước ở Điện Biên lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em vùng cao. Câu chuyện buồn về TNTT ở trẻ em cùng những hậu quả xấu nhất vẫn tái diễn hằng năm ở địa phương này.

Gia tăng tai nạn thương tích vào kỳ nghỉ hè

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, hiện trên địa bàn có gần 215.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Trung bình mỗi năm địa phương này ghi nhận 2.000 trường hợp TNTT ở trẻ, 70 - 80 trường hợp trong số đó tử vong.

Qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do ngã, ngạt tắc đường thở, tai nạn giao thông, động vật hoặc côn trùng cắn, đốt, ngộ độc, đuối nước… TNTT có chiều hướng gia tăng trong những kỳ nghỉ hè, ít có sự giám sát của gia đình và nhà trường.

Thực tế cho thấy, phần lớn trẻ em ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa thiếu sự giám sát của người lớn, do bận mưu sinh. Không ít ông bố, bà mẹ thậm chí lên nương dài ngày để con nhỏ ở nhà tự chăm sóc nhau. Trong khi đó, đa phần trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân trước các nguy cơ tai nạn; địa hình hiểm trở, môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn.

Mới đây, vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông đã cướp đi tính mạng của 2 học sinh nữ mới chỉ 10, 11 tuổi. Được biết, 2 học sinh này rủ nhau ra sông tắm sau giờ tan học. Mặc dù đã được phát hiện và huy động nhiều người ứng cứu, nhưng câu chuyện đau lòng nhất vẫn xảy ra.

Trước đó, năm 2019 cũng ở địa phương này, vụ việc đuối nước thương tâm khác đã khiến 3 đứa trẻ trong 1 gia đình tử vong. Đáng nói, cả 3 trường hợp đều còn rất nhỏ. Vụ việc xảy ra ngay tại chính ao nuôi cá của gia đình, tuy nhiên lại không được phát hiện kịp thời do người lớn bận việc nhà và chưa quan tâm giám sát trẻ. Cái chết không báo trước của những đứa trẻ khiến người ở lại không khỏi đau lòng xót xa.

Câu chuyện trẻ tự ý tắm ao, sông, suối mà không có sự giám sát của người lớn như trên không phải hiếm gặp ở địa phương này. Trong khi đó, không phải đứa trẻ nào cũng có điều kiện để đào tạo, dạy kỹ năng bơi, mà đa phần là tự học lẫn nhau.

Công tác phòng chống TNTT chưa hiệu quả

Hằng năm tỉnh Điện Biên đều ban hành các văn bản, phối hợp liên ngành bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngăn chặn TNTT; mỗi giai đoạn (5 năm) đều có chương trình hành động vì trẻ em. Song trọng tâm vẫn là các hoạt động truyền thông, tuyên truyền lồng ghép.

Trong khi đó, những hoạt động mang tính thực tế hơn, như tập huấn kỹ năng, dạy bơi, sơ cấp cứu, xây dựng ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn phòng, chống TNTT… lại rất khiêm tốn, do hạn chế về kinh phí. Đây đã và đang là những bất cập khiến công tác phòng chống TNTT cho trẻ vùng cao ở Điện Biên chưa hiệu quả.

Minh chứng cho điều này là kết quả ghi nhận trong cả giai đoạn 2016 - 2020, trong số 8 mục tiêu cụ thể liên quan đến chương trình phòng chống TNTT trẻ em có 5 mục tiêu đạt thì đều liên quan đến công tác tuyên truyền, và các hoạt động triển khai. Còn lại 3 mục tiêu thể hiện kết quả thì lại không đạt, liên quan đến tỉ suất trẻ em bị TNTT, tỉ suất trẻ em bị tử vong do TNTT, xây dựng Ngôi nhà an toàn,Trường học an toàn.

Thậm chí, có giai đoạn, con số trẻ tử vong vì TNTT ở Điện Biên năm sau cao hơn năm trước. Đơn cử, năm 2018 toàn tỉnh ghi nhận 2.811 trẻ em mắc TNTT, trong đó có 69 trẻ tử vong; nhưng đến năm 2019, số trẻ mắc TNTT lại tăng lên tới 3.219 trẻ và 77 trẻ tử vong.

Nhiều kế hoạch, chương trình hành động được xây dựng, nhiều hoạt động được triển khai; song kết quả lại không như mong muốn. Thực tế này cho thấy, phòng chống TNTT ở Điện Biên vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn