MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại Quảng Nam - Ảnh: Hoàng Vinh/ LĐO.

Tài xế xe rước dâu gặp nạn ở Quảng Nam: "Ngó lơ" quy định?

Vân Trường LDO | 31/07/2018 16:30
Việc xe rước dâu gặp nạn ở Quảng Nam, theo các chuyên gia, có thể do tài xế đã không nghiêm túc thực hiện các quy định đối với các lái xe đường dài.

Liên quan đến vụ việc xe rước dâu gặp nạn ở Quảng Nam mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết, pháp luật đã có quy định rất chặt chẽ về quy chuẩn đối với các lái xe đường dài cả về sức khỏe và trình độ.

Theo quy định, các lái xe đáp ứng được tiêu chuẩn sức khỏe nhất định như không được mắc các bệnh như thần kinh, tâm thần, các bệnh về mắt… mới đủ điều kiện được cấp phép lái xe.

Bên cạnh đó, người lái xe phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe của bản thân và chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan chức năng và người sử dụng lao động. Hành vi không khám sức khỏe định kỳ cho lái xe còn bị xử phạt hành chính.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, pháp luật cũng quy định, lái xe không được làm việc quá 10 tiếng/ngày, cầm lái liên tục trong 4 tiếng và nên nghỉ ngơi sau 2 tiếng liền cầm vô lăng.

“Doanh nghiệp vận tải hay chính các lái xe không thực hiện nghiêm túc quy định, khuyến cáo trên là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn thảm khốc”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam nhận định.

Về vụ tai nạn thảm khốc với đoàn xe rước dâu xảy ra tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) khiến 13 người chết, 4 người trọng thương vừa xảy ra, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, có thể do lái xe đã buồn ngủ và mệt mỏi trong quá trình lái.

“Xe xuất phát từ 11h đêm, dự kiến 7h sáng đến nơi nhưng lại gặp nạn vào lúc 2h sáng. Nếu chỉ một mình tài xế cầm lái thì tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ là khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Văn Thanh nhận định.

Về trình độ của các lái xe đường dài, đại diện một trung tâm sát hạch lái xe ở Hà Nội cho biết, quy trình đào tạo và cấp bằng lái cho các lái xe này là cực kỳ gắt gao. Ngoài yêu cầu cao về sức khỏe, một tài xế khi đủ thâm niên và số kilomet lái xe an toàn nhất định thì mới được tham gia học lý thuyết và cả thực hành. Sau đó, phải tham gia sát hạch cả 2 nội dung này mới đủ điều kiện để xét cấp bằng.

“Nguy hiểm nhất khi lái xe ôtô là tài xế ngủ gật. Vì vậy, dù đường dài hay ngắn, lái xe nên ngủ đủ giấc từ hôm trước để tránh tình trạng gật gù khi trên đường. Mang theo một vài chai nước và café, nếu cần thiết, nhai kẹo cao su cũng là một phương án”, đại diện một trung tâm sát hạch lái xe đưa ra lời khuyên.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã đưa ra khuyến cáo đối với hành khách và lái xe đường dài.

Thứ nhất, khi thuê xe hợp đồng chạy đường dài, cần chọn những đơn vị vận tải có uy tín, thương hiệu thay vì các loại xe dù, hoạt động tự do.

Thứ hai, khi lên xe, lái xe và hành khách cần thắt dây an toàn để khi sự cố xảy ra, có thể giảm thiểu tối đa hậu quả.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định ban đầu rằng, nguyên nhân của tai nạn thương tâm có thể do tài xế lái xe rước dâu buồn ngủ, không có chuyện nam lái xe dùng chất kích thích, ma túy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn