MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hôm nay (17.2) là ngày thứ hai Hà Nội thực hiện việc đóng cửa các quán cà phê, hàng ăn vỉa hè để phòng dịch COVID-19. Ảnh Quang Đông

Tạm dừng hoạt động quán cà phê, nhà hàng ăn vẫn được mở cửa: Có bình đẳng?

Vương Trần LDO | 17/02/2021 18:27
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh, thực hiện mục tiêu kép là cùng phòng chống dịch bệnh COVID-19, cùng phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo mục tiêu kép, hạn chế tối đa bất lợi cho người dân.

Theo thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội tại phiên họp 90, thành phố Hà Nội yêu cầu: Bắt đầu từ 00h00 ngày 16.2.2021, tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè và quán cà phê cho tới khi có chỉ đạo mới của UBND thành phố.

Tuy nhiên, đối với nhà hàng ăn phục vụ trong nhà, nếu đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh vẫn được hoạt động.

Điều này dẫn tới có những ý kiến băn khoăn về sự thiếu bình đẳng trong áp dụng các quy định phòng, chống dịch bệnh với các đơn vị kinh doanh khác nhau. Bởi xảy ra tình trạng “quán cà phê phải đóng cửa mà nhà hàng ăn, bán phở vẫn được hoạt động”.

Trao đổi với PV Lao Động, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp hiện nay, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đã ban hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phòng, chống dịch bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, song song cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đó là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bởi các địa phương đều phải thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế. Do vậy, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát xã hội như thế nào phải được tính toán một cách kỹ lưỡng. Mục tiêu cuối cùng đó không phải là hạn chế việc kinh doanh của cơ sở nào, hạn chế quyền kinh doanh của người dân mà là tránh việc tụ tập đông người, đảm bảo giãn cách xã hội để đảm bảo sức khoẻ cho người dân.

Do vậy, để đảm bảo việc phát triển mục tiêu kép, Hà Nội cũng như các địa phương cần tính toán về mức độ áp dụng các biện pháp kiểm soát xã hội cần thiết, tại từng địa bàn, khu vực để hạn chế tối đa bất lợi cho người dân, đảm bảo vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần giải thích rõ các quy định để đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng sản xuất kinh doanh, tránh cách làm “thái quá” và mỗi đơn vị phường, xã lại có cách hiểu khác nhau dẫn tới thực hiện không đúng.

Đối với việc yêu cầu tạm ngừng hoạt động của quán cà phê trong nhà nhưng các nhà hàng ăn uống vẫn được hoạt động, ông Sinh cho rằng cần phải tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo sự công bằng cho các thành phần kinh doanh nhưng cũng đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh. Nếu những địa điểm này đảm bảo các yêu cầu về giãn cách xã hội, thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế thì có thể hoạt động để đảm bảo “mục tiêu kép” như đã đề ra.

“Chúng ta cũng phải xác định rằng, dịch bệnh không chỉ diễn ra ngày 1, ngày 2 mà có thể phải đối mặt trong một thời gian nữa. Do đó cùng với phòng, chống dịch bệnh cũng cần hạn chế tối đa bất lợi và đảm bảo các quyền trong sản xuất, kinh doanh của người dân” - ông Sinh nói.

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho hay, vừa qua thành phố đã đưa ra các quy định, biện pháp mạnh để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, đại biểu Khánh cũng cho rằng, các quy định của thành phố cần được giải thích rõ để người dân áp dụng và có sự đồng thuận trong nhân dân.

“Mục tiêu không phải hạn chế đơn vị nào sản xuất, kinh doanh mà đều vì đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của người dân” - bà Khánh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn