MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên lửa Epsilon số 5 mang theo các vệ tinh chuẩn bị được phóng lên không gian thì bị tạm hoãn. Ảnh JAXA

Tạm hoãn phóng tên lửa Epsilon mang vệ tinh Made in Việt Nam vào phút chót

Vương Trần LDO | 01/10/2021 08:27
Dự kiến, sáng nay (1.10), tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura Nhật Bản tên lửa Epsilon số 5 mang theo 9 vệ tinh sẽ được phóng lên không gian. Tuy nhiên, vào thời gian đếm ngược chuẩn bị phóng, sự kiện này đã bị tạm hoãn vào phút chót.

Theo như dự kiến, sáng nay (1.10), tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura Nhật Bản, tên lửa Epsilon số 5 sẽ được phóng lên quỹ đạo vào lúc 7 giờ 51 phút 21 giây.

Đáng chú ý, trong lần phóng này có vệ tinh NanoDragon - "Made in Việt Nam". Cùng với vệ tinh NanoDragon có 8 vệ tinh khác của Nhật Bản. 

Việc phóng 9 vệ tinh này nằm trong khuôn khổ “Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo 2”- Innovative Satellite Technology Demonstration-2” của Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Nhật Bản (JAXA);

 Vệ tinh NanoDragon được thiết kế, tích hợp bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Ảnh VNSC

Theo ghi nhận của PV Lao Động tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam qua đường truyền trực tiếp, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để phóng tên lửa. Tuy nhiên, đang trong thời gian đếm ngược, khi đến giây thứ 12, chuẩn bị phóng tên lửa thì có thông báo tạm hoãn.

Trao đổi nhanh với Lao Động, TS Lê Xuân Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, trước giờ đếm ngược, cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản đã thông báo sự kiện bị tạm hoãn. Tuy nhiên lý do của việc này chưa được thông báo.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ có thông tin báo chí chính thức về sự kiện này sau khi có thông tin từ các cơ quan liên quan.

NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) phát triển.

Tham gia phóng cùng vệ tinh của Việt Nam lần này có tất cả 9 vệ tinh, bao gồm:

1 vệ tinh nhỏ là vệ tinh RAISE-2 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản nặng 110kg

- 4 vệ tinh lớp micro, bao gồm:

HIBARI (55 kg) của Viện Công nghệ Tokyo,

Z-Sat (46 kg) của công ty TNHH Mitsubishi Heavy Industries,

DRUMS (62 kg) của công ty TNHH Kawasaki Heavy Industries,

TeikyoSat-4 (52 kg) của trường Đại học Teikyo,

- 4 vệ tinh lớp cubesat bao gồm:

NanoDragon (3,8kg) của VNSC phối hợp cùng Công ty TNHH điện tử Meisei,

ASTERISC (4kg) của Viện Công nghệ Chiba,

ARICA (1kg) của Trường Đại học Aoyama Gakuin,

KOSEN-1 (3kg) của Trường cao đẳng quốc gia Kochi. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn