MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tâm hồn cây rừng

Nguyễn Hàng Tình LDO | 21/02/2018 10:00

Bao trăm năm qua, kể từ khi có lịch sử thành văn, câu hỏi về cây gì quí báu nhất với người Tây Nguyên cứ đeo bám tôi, khi mà Tây Nguyên là xứ rừng, trung tâm tiêu biểu của nền "Văn minh rừng". Khi gặp bất cứ người bản địa sơn nguyên nào, tôi vẫn chỉ hỏi mỗi một câu là: cây gì quí nhất ? Họ bảo, cây gì mà chẳng quí.

Một cô gái Ê Đê bên chiếc cầu thang nhà dài làm bằng gộ K'chih.
Cây nó nương qua nương lại nhau sống, mới thành được rừng. Và rừng, nó cho cái ăn, cứ vào rừng là có "cái ăn". Nhưng, cây rừng không chỉ cho "cái ăn".

Cây "tình"

Như cái mùa khô gặp Y Vang. Tôi làm cái việc của tôi, còn Vang làm cái việc của Vang. Vang bảo, mùa nào cũng lên rừng hái M'nga (tiếng phổ thông gọi phong lan rừng) về bán kiếm cơm áo. Loài cỏ trên cây cũng trở thành hàng hóa được người đồng bằng, thành thị thích ngắm và bán buôn nó. Để có M'nga Vang trèo lên trên cây cổ thụ thế này để gỡ. Vang bảo, không chỉ nơi thân cây, vỏ cây, gốc cây, như mọi người bản địa, trong rừng, nhìn lá cây là anh biết thân cây gì đang thẳng lên trời kia. Cái lá cây dù tươi hay khô nó đều chứa "thông tin" thảo mộc.

Và Y Vang chỉ ra cây Ana Kpẽh (tiếng phổ thông gọi chệch thành Căm xe), K'chih (Cà chít) là thứ cây ấm áp và gần gũi nhất với cộng đồng sơn nguyên của anh. Bao giờ làm nhà dài, nhà sàn cũng tìm thứ cây này về làm. Gỗ Ana K'pẽh, Ana K'chih không ngấm nước, chịu được ẩm lẫn nắng nóng, màu gỗ đẹp, không mối mọt. Sàn nhà thì làm bằng ván Ana K'lông, vì nó thơm, nhẹ, và vân đẹp mềm dịu.

Nếu không có Ana K'pẽh, Ana K'chih, thì chọn Ana Asan (tiếng phổ thông gọi là cây Hương) thay, để làm khung sườn, cột nhà. Và chiếc cầu thang nhà dài, lối lên nhà duy nhất, với đôi nhũ hoa của người phụ nữ - biểu tượng của xã hội Mẫu hệ, ngay giữa thế kỷ XXI này vẫn sừng sững làm bằng Ana K'chih. Như vật thân khác, con thuyền độc mộc, cũng chỉ lấy cây Dhi Grier (tiếng phổ thông gọi cây Sao) để làm. Nhà nào cần một cái thuyền thì đi chặt đúng một cây Dhi Grier về đục thành thuyền.

Phản xạ của họ trước rừng, là chỉ lẩy, khai thác vài loại cây ấy mang về phục vụ không gian sống thôi, chứ không phải thấy cây gì to cũng đốn hạ, chặt hàng loạt, hay khai thác trắng. Vậy nên cho đến thập niên 1990 của thế kỷ trước, trong cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên vẫn không hề coi gỗ rừng là "hàng hóa".

Và sống dưới ngọn núi, dải rừng, thung lũng nào đó là ở mãi quanh đấy, hoàn toàn không có chuyện "du canh du cư" như người ta hay gán oan nghiệt và đau đớn cho họ (mà họ vẫn không hề lên tiếng), vì đặc điểm của họ là nhạy cảm, nặng tình và yếu đuối, không thể xa rời rừng quê, núi quê, không chịu được không gian lạ. Nên những thứ cây mà dân nhập cư chúng tôi cho là gỗ quí như Cẩm lai, Lim, Gõ, Pơmu, Huỳnh đàn, Dỗi, Bằng lăng... họ cũng không để ý.

Ngay thứ cây có giá trị bạc tiền cao là K'Năng Jieng (Trầm hương) họ cũng không hề đụng đến, mà toàn dân dưới xuôi và phương xa ngược núi lùng sục, tung hoành khai thác, kể từ thời người Chămpa, Pháp, và chúng ta tiếp tục từ đấy về sau.

Họ không có lòng tham với rừng, không vơ vét, tận thu hết sản vật trong rừng kia, mà chỉ dùng những gì mình gần gũi, yêu, và dùng đủ cần, như lấy cây về làm xong căn nhà thôi, mà không dự trữ, và trục lợi (bán), hay lẩy từ rừng ra đủ một mảnh rẫy để trồng đủ lương thực để ăn cho đến mùa hoa lợi mới. Hai ba mảnh rẫy nhỏ xoay quần để làm trong chu kỳ ba năm luôn phiên, để đất được nghỉ ngơi, tái tạo dưỡng chất, tốt cây trồng.

Cây tâm linh

Dĩ nhiên với người sơn nguyên, rừng là cõi thiêng. Nhưng trong cái thiêng bao trùm bao giờ cũng có cái thiêng cụ thể. Vậy cây gì là thiêng nhất? Và câu trả lời là cây cây K'tơng. Họ cho rằng, cây thiêng là cây tụ nhiều linh hồn, tinh túy rừng núi, chứa những điều tốt lành của sơn nguyên. K'tơng thiêng vì nó che chở nguồn nước(Ko Ea), mà nguồn nước là khởi đầu sự sống. Chỗ nào có K'tơng là chỗ đó có mát lành, cộng đồng sống được. Người sơn nguyên luôn cúng Bến nước, trong đó có Ana K'tơng.

Một cụm cây rừng trong đó có cây K'tơng
Cây thiêng tiếp nữa với họ là Ana M'nút. Phát rẫy thấy cây M'nút thì chừa ra. Bến nước có cây này hiện diện thì không được tắm vào 12 giờ trưa, và cần gì cũng không được bước xuống đó lúc 12 giờ đêm. Giờ cây nghỉ ngơi, tái tạo "sức khỏe". Và cây thiêng dạng này nữa là Ana K'djar (cây đa).

Ngay cả Y Phôn - người viết những bài hát sâu nặng nhất về cây cỏ, núi đồi Tây Nguyên cũng từng bảo tôi Ana K'djar là điểm tựa, che chở cho làng, là cây của muôn cây. Làng nào dựng lập ở chỗ thiếu nó, chơi vơi lắm. Bây giờ đã có y học hiện đại, đau ốm đều đưa đi bệnh viện, nhưng cùng lúc cũng ra cúng nó mới yên tâm, vì cuộc sống con người do trời đất nặn ra, mà Ana K'djar nó hiện thân cho cao thiêng trời đất.

Nên người M'Nông_sắc dân bản địa lâu đời nhất miền thượng này, mới có câu: "Hên sit bah ri ta Jri bar jâng" (Đi xa về ghé gốc cây đa). Cả ba cây trên con người khi đến gần nó đều không được nói bậy chứ đừng nói chơi trèo, hay đụng chạm cái gì vào.

Ngay con thú cho thịt ngon nhất, nhưng đã đậu hoặc đứng dưới bóng của nó thì con người cũng không được săn. Con thú đó đang được Yàng che chở, lúc đó nó như con người rồi. K'tơng, M'nút, K'djar mà xuất hiện ở nghĩa địa thì càng hóa thiêng hơn. Dù có tục bỏ mả/ma -nghĩa là quên luôn xác thân lẫn linh hồn người chết, nhưng những cây này thì vẫn cứ phải nhớ đến. Nó được quyền tồn tại miên viễn, sống chung với con người; nó chỉ tự đổ, vì nguyên nhân gì đó từ thiên nhiên, chứ con người không được làm nó đổ.

"Mẫu thượng ngàn" đó mà

Vì vậy mà hạ một cái cây về làm nhà cũng cúng, cây để đẽo tượng cho người chết ở nhà mồ cũng vậy, và cây để làm cây nêu cho lễ hội làng cũng thế. Đều làm lễ "xin" trời đất cho phép cúng thần cây, thần rừng. Họ sống nương tựa, chan hòa, và có đạo với thiên nhiên. Ý thức "Mẫu thượng ngàn" là thật, đạo Mẫu là có thật, dù họ không cần đưa thành khái niệm, và không thuyết giảng, và không biết UNESCO năm trước phong Đạo Mẫu, cái tục Thờ Mẫu với thiên nhiên là trung tâm của người Kinh là di sản văn hóa đại diện của nhân loại.

Dù người Kinh tôi có chân thành với thiên nhiên, ứng xử có xuyên suốt với Mẹ thiên nhiên không thì họ- người sơn nguyên- không rõ. Họ chỉ cần tự mình tôn trọng thiên nhiên, cho chính mình, biết ơn và thành tâm trước rừng.

Riêng với dân nhập cư đến miền thượng thì tôi có biết, khỏi nói rồi, họ có chiêm bái hay kiêng sợ gì đâu; coi mọi cây, con đều là "con tép", là của cải, bạc tiền giữa trời mà không có khóa. Nên chỉ khi lũ lụt đổ xuống, thiên tai ập về xuôi, họ chơi vơi, họ nhìn nhau, họ kêu ca, họ than khóc, và họ chửi rủa vào những nguyên do. Vậy thì đâu nhân bản hơn, đâu nhìn xa hơn.

Có một chiều của văn minh mà loài người đang (cho) nghĩ mình tiên tiến nhưng học hoài không tới cõi đó, hoặc muốn quay về, là bản thể thiên nhiên. Ứng xử với thiên nhiên tử tế bỗng một ngày trở thành thứ xa xỉ, khó nhất. Những năm gần đây, nơi kia chỗ nọ ở dưới xuôi, sắc tộc khác, người ta bỗng đưa những cây nguyên sinh lẻ loi còn trơ trọi giữa trùng trùng bầy người thành "Cây di sản".

Tôi cũng không muốn đo chiều dài của văn minh trong các xứ sở, trong các cộng đồng người xa gần, trong các thời đại của nhân loại. Tôi chỉ biết cái tình của người sơn nguyên với Mẫu Thượng Ngàn nó lê thê, lê thê từ trong sử thi ra bên ngoài, là từ xa xưa tới buổi hiện đại đây.

Nó lắng, nó tĩnh tại, nó bàng bạc, nó minh tri ngay giữa dòng đời hối hả, xô bồ nay. Nó hiện sinh và thực tiễn chứ không mơ màng như tôi với những cuộc về rừng ngơ ngác. Trước khi thành người, con người là một loài thú, và ở trong rừng. Nó mát rượi như phận bọt bèo hữu hạn của kiếp con người trong trời đất, cái loài cũng đến với mặt đất một cơ số năm mùa nào đó rồi tan vào thực vật như bao loài khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn