MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Tòng Văn Thủy (áo trắng, đứng giữa) trong buổi lễ khai giảng bên bờ suối cùng 600 học sinh.

Tâm sự buốt lòng của người thầy trong bức ảnh khai giảng bên bờ suối ở Lai Châu

LN - Đình Trường LDO | 06/09/2018 08:42

Sớm 5.9, may mắn mưa ngớt, thầy cô đi chặt tre lứa làm thanh chống còn học sinh chia nhau quét dọn lại sân. Và buổi khai giảng của thầy và trò trường Nậm Ngà đã diễn ra như thế...

Hình ảnh về lễ khai giảng bên bờ suối của thầy và trò trường Nậm Ngà (xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) đã lan tỏa và gây xúc động mạnh. Thầy Tòng Văn Thủy - giáo viên nhà trường, người đứng phát biểu trong bức hình - đã có những chia sẻ về buổi lễ xúc động này với PV Báo Lao Động.

Thầy giáo 26 tuổi là người được phân công dẫn chương trình cho buổi lễ khai giảng chung của hai trường cấp 1 và cấp 2 Nậm Ngà.

“Đó là một cảm giác khó tả với những người trẻ như tôi. Tôi chưa bao giờ được học hay dự lễ khai giảng ở một nơi như thế này cho tới khi nhận công tác tại nhà trường. Chỉ thấy thương thầy cô đã giảng dạy lâu năm và các em học sinh”, thầy Thủy chia sẻ.

Thầy Thủy kể, do mưa lũ diễn ra liên tục nên mọi người cứ nghĩ không thể tổ chức buổi lễ khai giảng, rất may là hôm qua trời đã ngớt mưa nên các thầy cô mới bắt đầu đi chặt tre để làm thanh chống, cho các em học sinh quét dọn lại sân. Buổi khai giảng có sự tham gia có gần 600 em học sinh. Đáng ra còn có sự tham dự của một trường kết nghĩa nữa nhưng do địa hình sạt lở nghiêm trọng nên không thể vào trong điểm trường Nậm Ngà.

“Dậy từ 5 rưỡi sáng chuẩn bị phông bạt đồ dùng, âm thanh, vì không có điện nên phải đi mượn máy nổ, nhưng cũng chỉ kịp chào cờ và hát Quốc ca. 8h kém bắt đầu thì 8 rưỡi là phải kết thúc rồi. Trời mưa quá, thương các em nên phải cho nghỉ sớm” - thầy Thủy nói.

Bắt đầu công tác tại trường cấp 2 Nậm Ngà từ tháng 9.2016, thầy Tòng Văn Thủy đã có 2 năm công tác tại một trong những điểm trường khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Số lượng cán bộ giáo viên hiện nay của nhà trường chỉ vẻn vẹn 14 người.

Thầy Thủy nhớ về ngày đầu tiên đi từ trung tâm huyện Mường Tè vào đến trường mà mất tận hơn 5 tiếng. Khó khăn lớn nhất là về đường sá và chỗ ở. Hai trường cấp 1 và cấp 2 chung nhau cơ sở vật chất nên cũng không có nhiều chỗ, thầy Thủy phải ở nhờ nhà một thầy giáo khác trong bản, từng bị ngã xuống vực trong một lần đi lấy thức ăn cho học sinh. Ban đầu, không có sóng điện thoại, các thầy cô phải đi gần một cây số lên một cái đồi nhỏ, treo điện thoại lên gốc đa để “hứng sóng” mới gọi được về cho gia đình.

Một năm học mới bắt đầu, những thầy giáo trẻ như thầy Tòng Văn Thủy lại bắt đầu một hành trình mới với những em nhỏ nơi vùng cao xa xôi, nơi bủa vây của những khó khăn, nhưng không làm giảm đi lòng yêu nghề và mong muốn truyền đạt kiến thức. “Chỉ mong năm học mới, có đường sá đi lại dễ dàng hơn để chuyển được đầy đủ đồ dùng học học tập cho các em, như vậy là đã hy vọng lắm rồi” - thầy Thủy nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn