MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tân cử nhân thất nghiệp: Bấu víu vào việc làm thời vụ để kiếm sống

Lương Hạnh - Minh Phương LDO | 13/03/2021 19:00
Dán 1 vạn cái tem với giá 500.000 đồng, làm các công việc phục vụ, chạy xe ôm,... là các công việc nhiều tân cử nhân thất nghiệp chấp nhận làm để “nhặt nhạnh” từng đồng, cố nán lại Thủ đô.

Tốt nghiệp và thất nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, có không ít tân cử nhân đã “vỡ mộng” khi tấm bằng đại học không đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Trần Thanh Diệu (sinh năm 1998, quê Quảng Ninh) học chuyên ngành Kế toán - Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tốt nghiệp ra trường được 6 tháng nay. Trong quãng thời gian chờ chính thức nhận tấm bằng đại học, Diệu không có việc làm, không tìm được công việc đúng chuyên ngành học mong muốn.

Tốt nghiệp ra trường, dù đã phỏng vấn ở nhiều công ty, thế nhưng Diệu cũng không thể tìm được công việc mong muốn. Ảnh: Lương Hạnh.

Để có tiền trang trải cuộc sống, Diệu đã phải xin làm công việc phục vụ bàn tại một quán cà phê gần phòng trọ. Số tiền Diệu nhận được là 15.000 đồng/giờ làm.

Diệu tâm sự: “Nhiều khi có người hỏi đang đi học hay đã ra trường đi làm rồi. Tôi không biết trả lời sao cả, chỉ ậm ừ cho qua. Tôi ngại với mọi người và bạn bè. Bố mẹ ở quê vẫn nghĩ tôi đi làm kế toán cho một công ty. Nhưng tôi chưa xin được việc nên tiếp tục công việc làm thêm này để có tiền trả chi phí sinh hoạt trên thành phố".

Giống Diệu, Phạm Anh Quang (sinh năm 1997, quê ở Sơn La) - tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, Ngành Quản trị kinh doanh đã hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa thể tìm được việc làm.

Quang đã thử sức xin và làm việc ở nhiều công ty nhưng đều nhận lại cái "lắc đầu". Lý do chính là không đúng chuyên ngành; môi trường làm việc không phù hợp; công ty cắt giảm nhân sự,...

Để có thể bám trụ ở thành phố, ban ngày từ 7h - 15h, Quang chạy xe ôm công nghệ; từ 18h - 22h đêm, Quang chuyển sang làm nhân viên gọi điện sale quần áo.

"Hơn một năm ra trường, tôi đã phải làm rất nhiều công việc. Bố mẹ vẫn nghĩ tôi đang làm việc cho công ty nào đó. Giờ tôi làm 2 công việc cùng một lúc, thu nhập đủ để sinh hoạt ở Hà Nội nhưng về lâu dài thì không ổn" - Quang nói.

Công việc thời vụ - nguồn sống tạm thời

Làm trái chuyên ngành đã đành, nhưng những tân cử nhân thất nghiệp hoặc đã có việc, lương cũng không đủ sống, đành phải tìm việc làm thêm thời vụ.

Dán 100 cái tem để có được 5.000 đồng, Giang đã phải vật vã với công việc làm thêm tưởng đơn giản này. Ảnh: Lương Hạnh.

10.000 chiếc tem truy xuất nguồn gốc với tiền công 500.000 ngàn đồng. 1 túi tương ứng với 100 cái tem, dán được một túi mới được 5.000 đồng.

Thất nghiệp, không có việc làm trong khi các khoản chi tiêu sinh hoạt hàng tháng đều phải chi trả. Điều này khiến Nguyễn Hồng Giang (sinh năm 1998, quê tại Hà Nam) tốt nghiệp chuyên ngành Kiểm toán - Đại học Tài chính Ngân hàng bắt đầu nhận công việc thời vụ này.

“Khi được giới thiệu dán tem, tôi nghĩ nó nhanh và dễ nhưng không hề đơn giản. Một mình tôi nếu làm trong một ngày, không thể xong nổi 10.000 cái. Thời gian ít nhất phải mất 3 ngày. Nhưng vì chưa có việc làm, ở nhà rảnh rỗi nên tôi nhận làm, dù gì có công việc làm thời vụ vẫn tốt hơn" - Giang tâm sự.

Không thể xoay sở tìm việc tại thủ đô, một số tân cử nhân còn trở về quê với hi vọng xin việc sẽ dễ dàng hơn.

Trần Thị Phương ( 23 tuổi, quê Lạng Sơn) chia sẻ, ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp đại học, đã “khăn gói” về quê để tìm việc.

Nhưng Phương cũng gặp các vấn đề như các tân cử nhân khác, bất lực khi tìm việc làm ở quê. Tuy về quê, Phương không phải lo phí thuê nhà ở, ăn uống nhưng lại chịu áp lực từ gia đình. "Bố mẹ nuôi tôi ăn học đến hết 12 năm, cộng 4 năm đại học nhưng tốt nghiệp rồi lại thất nghiệp. Hiện tôi lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng" - Phương cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn