MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các mốc thời gian tăng lương cơ sở từ năm 2000 đến năm 2023. Đồ họa: TKTS

Tăng lương cơ sở từ hôm nay (1.7.2023): Sự khích lệ kịp thời giúp người lao động vượt qua khó khăn

Nhóm PV LDO | 01/07/2023 06:00

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, việc tăng lương là rất cần thiết. Đây là một sự khích lệ kịp thời để giúp người lao động vượt qua khó khăn. Tuy nhiên phải kiểm soát được giá cả.

Chị N.T.T. (28 tuổi), cán bộ đoàn tại thành phố Lào Cai không giấu nổi sự vui mừng. Theo chị T, đây là mức tăng khá ấn tượng sau 4 năm (từ 1,49 triệu đồng năm 2019 lên 1,8 triệu đồng năm 2023). Chị thấy may mắn khi ra trường đi làm từ năm 2018, nay đã được tăng lương cơ sở 2 lần.

Tuy nhiên, theo chị T, nếu làm mỗi chức vụ cán bộ đoàn thì mức tăng này chỉ tạm đủ sống. Bởi hiện tại, mức lương chị đang được hưởng là 5,5 triệu đồng/tháng, từ ngày 1.7 tăng lên gần 7 triệu đồng/tháng. So với quãng thời gian làm việc 5 năm vẫn còn khá thấp. Vì thế, chị T quyết định làm thêm nhiều công việc khác tại cơ quan để gia tăng thu nhập...

Anh P.Q.Đ (28 tuổi) - giáo viên bộ môn thể dục tại Nam Định tâm sự: “Nhận được thông báo lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, giáo viên chúng tôi được an ủi phần nào. Hiện tại thu nhập từ nghề giáo viên dạy thể dục được 4,1 triệu đồng/tháng, từ ngày 1.7 tăng lên 5 triệu đồng/tháng, chỉ đỡ phần nào chứ chưa thể đảm bảo cuộc sống tốt hơn khi giá cả ngày càng leo thang. Để gia tăng thu nhập, tôi đăng kí làm Phó Bí thư Đoàn tại thị trấn và giáo viên dạy bơi... Với thu nhập 9 triệu đồng/tháng chỉ giúp anh Đ đủ sống.

Tiền lương của công chức vẫn còn thấp

Trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 30.6, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, xây dựng hệ thống tiền lương phải gắn với mức sống, phản ánh cung - cầu lao động, kích thích lao động; lương của cán bộ, công chức phải đảm bảo mức sống tối thiểu, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

“Hiện tại, mức lương tối thiểu cao nhất ở vùng I với 4.420.000 đồng/tháng, trong khi mức lương cơ sở từ 1.7.2023 là 1,8 triệu đồng/tháng. Công thức tính lương là: Mức lương = Lương cơ sở (1,8 triệu đồng) x hệ số lương hiện hưởng (thấp nhất là 2,34) tương ứng 4.212.000 triệu đồng/tháng. Mức lương này còn chưa bằng lương tối thiểu vùng I. Như vậy là rất bất cập” - bà Hương chỉ rõ.

Mặt khác, những người có trình độ, chuyên môn, kĩ thuật, tốt nghiệp đại học trở lên phải được hưởng mức lương tương ứng. Rất khó để chấp nhận việc lao động có trình độ lại có mức lương thấp hơn với lao động phổ thông...

Tiếp tục nghiên cứu tăng lương theo Nghị quyết số 27

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam - cho rằng, việc tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn như hiện nay là sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước để chăm lo cho những người đang làm công việc trực tiếp để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá đây là một sự khích lệ và động viên rất kịp thời để giúp người lao động vượt qua khó khăn. Tuy nhiên vấn đề cần quan tâm là phải kiểm soát được giá cả. Cùng với đó về lâu dài Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để tăng lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực tế tiền lương là một trong những yếu tố quyết định đến động lực, tinh thần, trách nhiệm làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là trong bối cảnh có sự dịch chuyển lao động giữa các khu vực, đời sống chung của người lao động còn đang khó khăn. Vì vậy, việc tăng lương là rất cần thiết.

“Tôi tin rằng sang năm 2024, 2025 khi kinh tế phục hồi sẽ là điều kiện, yếu tố quan trọng để Chính phủ đưa ra những quyết định liên quan đến cải cách tiền lương một cách rất căn bản, để lương thực sự là thu nhập chính, từ đó người lao động làm việc với năng suất cao, chất lượng và hiệu quả tốt hơn” - ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.

* Tổng cục Thống kê nhận định, tăng lương từ ngày 1.7 kéo theo giá hàng hóa tăng lên, nhưng không tăng một cách đột biến.

Về giải pháp hạn chế tình trạng giá hàng hóa tăng theo lương, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, các bộ ngành, địa phương cần chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đảm bảo nhu cầu người dân; cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, sử dụng vật liệu trong nước thay nguồn nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực lên giá tiêu dùng; kiểm soát việc niêm yết giá hàng hóa; đẩy mạnh bình ổn giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống găm hàng...  M.Q

* Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe - Vũ Thùy Trang cho hay: Lương cơ sở tăng, tiền lương của công nhân tại các khu công nghiệp không được tăng.

Tuy nhiên, người lao động làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động trả cũng được tăng một số khoản trợ cấp như: Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày; Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn