MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng tỉ lệ bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng EV71 gây biến chứng nặng ở trẻ

NGUYỄN LY LDO | 16/06/2023 17:11

TP Hồ Chí Minh – Tình hình dịch bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục tăng tại các tỉnh phía Nam. Đáng chú ý, năm nay có sự xuất hiện của biến chủng EV71 đang là tác nhân gây biến chứng nặng ở trẻ.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến hết ngày 28.5.2023, thành phố đã ghi nhận 1.670 ca mắc tay chân miệng với 62% là bệnh nhi từ 1-3 tuổi và ngày một gia tăng. Đáng lo ngại hơn, số ca mắc bệnh có diễn tiến nặng xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó một ca tử vong là bệnh nhi ngụ tại tỉnh Kiên Giang đã được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Theo kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng cũng đã ghi nhận trường hợp dương tính với virus Enterovirus 71 (EV71) - tác nhân gây nhiều biến chứng nguy hiểm khiến các ca bệnh tay chân miệng trở nặng, thậm chí tử vong. Đây là kiểu gene lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007, từng xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh vào các năm 2015 và 2018.

Bệnh nhi điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: NGUYỄN LY

Ôm đứa con trai 17 tháng tuổi vào lòng, chị Như Ái (30 tuổi) cho biết đây là ngày thứ 11 Bảo Minh nhập viện Nhi đồng 2 điều trị vì tay chân miệng. Mặc dù diễn tiến bệnh của con trai không nặng nhưng bé có một số bệnh lý nền kèm theo khiến chị Ái lo lắng. Việc chăm sóc, vệ sinh kỹ lưỡng, thường xuyên kiểm tra tay chân cho con cũng được rất nhiều phụ huynh thực hiện để phòng ngừa bệnh.

Tại BV Nhi đồng 2, Th.BS Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Nhiễm cho biết, hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm theo các mụn nước nổi đỏ ở tay, chân, thậm chí vết loét ở họng làm cản trở việc ăn uống. So với mọi năm, những ca bệnh nặng (nhóm 2B) chiếm tỷ lệ cao hơn (20-25%) trong tổng số ca nhập viện. Hiện khoa Nhiễm đang tiếp nhận và điều trị cho 45 bệnh nhi, trong đó có 10 trường hợp nặng.

Theo BS Qui, đối với bệnh tay chân miệng thì 60-70% trẻ mắc bệnh có thể được điều trị ở nhà, các trường hợp này được áp dụng khi bé chỉ xuất hiện hồng ban ở lòng bàn tay, chân nhưng không sốt. Nếu trẻ sốt cao liên tục 39-40 độ kèm nôn ói, giật mình chới với nhiều... thì bắt buộc phải nhập viện để theo dõi.

Lứa tuổi tập trung của bệnh tay chân miệng là dưới 5 tuổi, trong đó nhóm bệnh nặng, có triệu chứng thần kinh rơi vào độ tuổi dưới 3. Việc một đứa trẻ có thể tái nhiễm với bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể xảy ra nên các bậc phụ huynh phải chú ý chăm sóc, theo dõi sức khỏe, vệ sinh cho con em mình thường xuyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn