MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi công dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội - công trình sử dụng vốn đầu tư công. Ảnh: Nguyễn Quang

Tăng tốc giải ngân, khắc phục tâm lý “sợ tiêu tiền công”

Phạm Đông - Minh Quân LDO | 14/05/2024 10:15

Tính đến hết tháng 4.2024, ước tính giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này là tích cực, nhưng tới đây, vẫn cần tiếp tục thúc đẩy, vì hiện vẫn còn những đơn vị chưa giải ngân được đồng nào hoặc giải ngân rất thấp. Nhiều địa phương như TPHCM đang phải dốc toàn lực, giải quyết vướng mắc để thúc đẩy các dự án trọng điểm tăng tốc.

TPHCM dốc sức giải ngân đầu tư công

Gói thầu số 3 dự án Vành đai 3 TPHCM qua TP Thủ Đức dài khoảng 3km. Nhu cầu cát trong năm 2024 của gói thầu này là khoảng 200.000m3, nhưng thời gian qua, lượng cát về ít ỏi nên dự án phải thi công cầm chừng ở các hạng mục: Gia cố cừ tràm, cọc xi măng đất, đào thay thế đất…

Tương tự gói số 3, hầu hết các gói thầu của dự án Vành đai 3 qua TPHCM đều đang thiếu cát san lấp, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công. Đơn cử như gói thầu xây lắp 7 tại huyện Hóc Môn đạt khoảng 3% tổng khối lượng nhưng phần đường đang chờ thi công 2 tháng nay do thiếu cát san lấp, dù đã nỗ lực tìm kiếm các nơi.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư), năm nay dự án Vành đai 3 cần giải ngân khoảng 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường dự án Vành đai 3 qua TPHCM đang chậm tiến độ, chỉ đạt khoảng 12,5% khối lượng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.

Tổng nhu cầu cát đắp nền cho vành đai 3 TPHCM khoảng 9,2 triệu m3. Riêng trong tháng 5 và tháng 6, các nhà thầu cần khoảng 2,2 triệu m3 để triển khai thi công. 3 tháng kế tiếp cần thêm 1,9 triệu m3.

Qua rà soát 44 mỏ cát tại 3 tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre có 28 mỏ đạt chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật của dự án Vành đai 3 TPHCM với tổng trữ lượng là 37 triệu m3.

“UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh trên hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục, cấp phép khai thác để đưa cát về ngay trong tháng 5, 6” - ông Phúc.

Ngoài dự án trọng điểm Vành đai 3 TPHCM, một dự án lớn khác là công trình cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên tổng vốn 8.200 tỉ đồng cũng lâm vào cảnh thi công cầm chừng do thiếu cát. Năm nay dư án phải giải ngân 2.300 tỉ đồng.

Để tăng tốc thi công, bên cạnh việc tìm kiếm thêm các nguồn cát hợp pháp để cung cấp cho dự án, nhà thầu đã bắt tay vào việc nghiên cứu việc tái sử dụng đất đào lên để phục vụ san lấp tại chỗ, làm nền đường. Ở những vị trí công trình có lớp đất tốt sẽ giữ lại để tận dụng san lấp thay cát.

Các đơn vị thi công xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Phạm Đông

Mạnh tay "trảm" nhà thầu năng lực kém, khắc phục tâm lý “sợ tiêu tiền công”

Để tăng tốc giải ngân vốn, các địa phương đã mạnh tay "trảm" các nhà thầu năng lực yếu kém. Ngày 9.5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM có văn bản gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Vinh thông báo chấm dứt các hợp đồng thực hiện của nhà thầu này: Dự án đường Nguyễn Ảnh Thủ nối dài (Hương lộ 80B cũ) đoạn từ đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) đến đường Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh); 3 dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 2, đoạn 3, đoạn 4).

Ông Lương Minh Phúc cho biết, ban đã tạo điều kiện để cho nhà thầu có thể thi công trở lại các công trình, nhưng nhà thầu này hết lần này đến lần khác đã không thực hiện các cam kết đã được thống nhất và tiếp tục vi phạm tiến độ triển khai của các hợp đồng.

Để không ảnh hướng đến tiến độ, ông Phúc cho biết, đối với gói thầu liên danh triển khai sẽ chuyển khối lượng công việc còn lại của nhà thầu Anh Vinh cho thành viên còn lại. Với gói thầu độc lập do nhà thầu này thực hiện sẽ đấu thầu chọn là thầu mới.

Tương tự, các chủ đầu tư ở TPHCM đang giám sát chặt chẽ, rà soát tiến độ đối với các gói thầu liên quan Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An sau khi lãnh đạo công ty này bị bắt.

TPHCM đã chuẩn bị sẵn sàng cho phương án dự phòng là sẽ chấm dứt hợp đồng, chuyển khối lượng thi công còn lại của Tập đoàn Thuận An cho các thành viên liên danh trong trường hợp công ty này không đảm bảo khối lượng, tiến độ thi công theo yêu cầu hoặc không thể tiếp tục thi công trong thời gian tới.

Trao đổi về giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH Lạng Sơn) cho rằng, cần khắc phục ngay tình trạng “sợ tiêu tiền công”. Thực tế có không ít nơi vốn đầu tư công giải ngân chậm, dự án ì ạch, có tình trạng cơ quan liên quan đùn đẩy, cán bộ sợ sai, chờ đợi cấp trên; không ít ngành, địa phương tồn đọng vốn, xin trả lại cho Trung ương.

Theo đại biểu, để quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng chiến lược, quan trọng.

Ngoài ra cần có biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu phục vụ dự án đầu tư công; xử lý nghiêm các vi phạm về đối tượng, nhà cung cấp không đủ điều kiện, qua đó tránh được vấn đề biến động giá, chống hành vi đầu cơ, tăng giá ảo, trục lợi.

Năm 2024, TPHCM cần giải ngân 79.263 tỉ đồng vốn đầu tư công nhưng tính đến ngày hết 4 tháng chỉ giải ngân 5.969 tỉ đồng, đạt 7,5% kế hoạch. Con số này cũng thấp hơn tỉ lệ giải ngân bình quân chung cả nước 4 tháng đầu năm là 16,4%. Với gần 73.000 tỉ đồng còn lại, trung bình mỗi tháng TPHCM phải giải ngân gần 10.000 tỉ đồng.

Đầu tư công có sự khởi sắc nhưng chưa đạt như kỳ vọng

Tính đến hết tháng 4 năm 2024, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ, giao chi tiết 631,8 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 95,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân vốn đầu tư công khoảng 115,9 nghìn tỉ đồng, đạt 17,46% kế hoạch (cao hơn 1,81% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, vẫn còn 21/44 bộ, cơ quan và 23/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao; 6 bộ, cơ quan chưa thực hiện giải ngân (0%).

Về tình hình giải ngân của các dự án trọng điểm quốc gia, đến hết tháng 3.2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 11.339,77 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 12,3% kế hoạch năm 2024 được giao (92.152,86 tỉ đồng).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực đều đang có sự khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, một số vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài liên quan đến cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu... là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn