MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà thầu dự án cao tốc Bắc - Nam tăng tốc thi công đảm bảo tiến độ giải ngân. Ảnh: GT

Tăng tốc tiến độ giải ngân dự án giao thông

Đặng Tiến LDO | 15/04/2022 10:23

Theo kế hoạch, Quý II/2022 Bộ GTVT sẽ giải ngân tăng 50% so với Quý I/2022. Riêng tháng 4.2022, khối lượng giải ngân được đăng ký khoảng 3.720 tỉ đồng, lũy kế giải ngân đến hết tháng 4.2022 đạt khoảng 11.120 tỉ đồng (khoảng 21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên muốn giải ngân đúng kế hoạch phải tăng tốc thi công ngoài hiện trường mới có sản lượng giải ngân.

Tăng tốc thi công

Theo ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), Bộ đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tổng số 42.845/50.328 tỉ đồng (đạt 85,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Đối với 7.483 tỉ đồng kế hoạch năm 2022 chưa phân bổ, Vụ Kế hoạch Đầu tư sẽ tham mưu Bộ trưởng giao chi tiết cho các đơn vị sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư, đảm bảo điều kiện giao kế hoạch năm theo đúng quy định. Trong đó, khoảng 5.000 tỉ đồng vốn thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 và 2.483 tỉ đồng vốn thực hiện các dự án khởi công mới.

Báo cáo tháng 3.2022, Bộ GTVT giải ngân được 4.800 tỉ đồng. Lũy kế hết quý I/2022 đã giải ngân được 7.200 tỉ đồng, đạt 17,2% kế hoạch giao và đạt 14,3% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 giải ngân 2.500 tỉ đồng; các dự án ODA là 775 tỉ đồng; các dự án quan trọng cấp bách 410 tỉ đồng, các dự án thu hồi ứng trước kế hoạch 2.000 tỉ đồng; trả nợ các dự án BT (xây dựng-chuyển giao) là 1.060 tỉ đồng.

Để đạt được kế hoạch nhiều dự án giao thông đã tăng tốc thi công, cùng với đó là những điều chỉnh nhằm chia sẻ bớt khó khăn với các nhà thầu thi công, trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu đều tăng.

Đối với các dự án đang thi công, đặc biệt là nhóm các dự án có khối lượng thực hiện lớn các chủ đầu tư/ban QLDA đã chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn thi công 3 ca tại hiện trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án.

Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Bộ GTVT cho biết, ngay từ đầu năm Bộ GTVT đã có Chỉ thị số 01 quán triệt và đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đây là thông điệp xuyên suốt gắn trách nhiệm của các Ban QLDA và chủ đầu tư. Trong đó, có việc lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, từng quý và phải xác định rõ đường găng giải ngân đối với từng dự án báo cáo Bộ GTVT và phân công rõ trách nhiệm cho lãnh đạo từng đơn vị trong tiến độ của từng dự án.

Đối với các dự án đang triển khai phải tập trung đẩy mạnh các mũi thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Đối với những dự án đang triển khai phải đẩy nhanh tiến độ các hồ sơ thủ tục để đảm bảo sớm hoàn thành kế hoạch. Vì quý II và III là thời điểm giải ngân cao vì thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ và đây cũng là giai đoạn cần phải tăng tốc tại các dự án, do đó các chủ đầu tư phải bám sát kế hoạch, tăng khối lượng thi công cũng như tiến độ của dự án.

Cùng chia sẻ khó khăn

Theo Bộ GTVT, nếu trong dự án mà các nhà thầu bê trễ, phải nhắc nhở đến 3 lần sẽ cắt hợp đồng và thay thế bằng nhà thầu khác để đảm bảo năng lực tốt nhất của các đơn vị thi công.

Các Ban QLDA phải phối hợp chặt chẽ với nhà thầu kịp thời tháo gỡ khó khăn tại hiện trường như nguyên vật liệu, phương án tổ chức thi công phù hợp với tình hình thực tế, thích ứng với điều kiện thực tế. Đặc biệt là đối với những dự án trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam… phải giao ban hằng tuần để kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Cùng đó, công tác xử lý hồ sơ, thanh quyết toán xử lý hiện trường đảm bảo thanh toán đảm bảo năng lực thi công của nhà thầu.

Ghi nhận tại các dự án như Mai Sơn - quốc lộ (QL) 45, Phan Thiết - Dầu Giây (cao tốc Bắc - Nam) các nhà thầu đều tăng nhân lực, thiết bị, thi công 3 ca liên tục để đáp ứng kế hoạch vốn được Bộ GTVT giao.

Theo ông Lương Văn Long - Giám đốc Ban điều hành dự án Mai Sơn - QL45, ngay sau tiếp nhận chỉ đạo rút ngắn tiến độ của Thủ tướng Chính phủ, hơn 2 tháng qua, hàng chục mũi thi công cầu, hầm, đường trải dài trên tất cả các gói thầu của dự án đều sáng đèn đến đêm muộn để giải quyết dứt điểm kế hoạch chi tiết xây dựng theo từng ngày.

Xác định có sản lượng mới có khối lượng giải ngân, ban điều hành dự án và các nhà thầu đã chủ động dự liệu các khó khăn để lên phương án khắc phục từ sớm, duy trì xuyên suốt quá trình thi công.

Ông Phùng Tuấn Sơn - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Ban QLDA Thăng Long - cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu do giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, đơn vị đã báo Bộ GTVT tháo gỡ một số điều khoản hợp đồng trong phạm vi cho phép của pháp luật về hợp đồng xây dựng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn giá cả nhiên, vật liệu biến động, ban đã báo cáo Bộ GTVT xem xét chỉ giữ lại khoản 5% tiền bảo hành công trình, không giữ khoản 2% để nhà thầu đảm bảo năng lực tài chính thi công, tăng khối lượng giải ngân dự án.

Cùng đó, Ban QLDA Thăng Long cũng điều chỉnh một số phụ lục hợp đồng, cho phép tạm ứng thanh toán các hạng mục đã thực hiện tại hiện trường trong thời gian chờ hoàn thiện thủ tục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn