MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Yên Mô đã hỗ trợ cho 177 hộ nghèo, hộ cận nghèo, mỗi hộ 1 con bò lai sinh sản với tổng kinh phí là 3,8 tỉ đồng. Ảnh: Bảo Hà

Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

ANH HUY LDO | 08/11/2023 07:08

Sau 2 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, công tác giảm nghèo ở Ninh Bình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Từ đó, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo.

Xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, an sinh xã hội, trong những năm qua các chính sách giảm nghèo luôn được sự quan tâm từ lãnh đạo tỉnh. Chính sách giảm nghèo gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội cho hộ nghèo có vốn sản xuất, có việc làm tăng thu nhập, đời sống vật chất tinh thần của người nghèo được cải thiện…

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) đã thực hiện phân bổ nguồn kinh phí hằng năm thực hiện các Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ở giai đoạn này tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm đều theo các năm. Trong đó, năm 2021 có 1.603 hộ nghèo (chiếm 3,37%); cuối năm 2022 còn 1.133 hộ nghèo (chiếm 2,36%); thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 68,78 triệu đồng/người.

Công tác giải quyết việc làm được chú trọng, đơn cử, 8 tháng đầu năm 2023, huyện Yên Khánh đã tạo việc làm mới cho 2.300 lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Phạm Ngọc Điệp - Trưởng phòng Lao động - Thương binh xã hội huyện Yên Khánh chia sẻ, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn huyện đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Cụ thể như cần thường xuyên tuyên truyền cho người nghèo, hộ nghèo có nhận thức đúng đắn, có ý thức tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo; biết thực hành tiết kiệm, học hỏi tự tạo việc làm, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các doanh nghiệp và cộng đồng.

Ngoài ra, hằng năm rà soát chính xác thực trạng hộ nghèo, xác định được nguyên nhân nghèo, đề ra giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực thi nhiệm vụ.

Từ năm 2021 cho đến nay, UBND huyện Yên Mô đã phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng. Trong đó, như dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Tổng nguồn vốn được bố trí thực hiện hơn 2,3 tỉ đồng.

Huyện đã hỗ trợ cho 177 hộ nghèo, hộ cận nghèo, mỗi hộ 1 con bò lai sinh sản với tổng kinh phí là hơn 3,8 tỉ đồng. Tương tự dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng và tiểu dự án 1; Phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; tổng nguồn vốn được bố trí thực hiện là hơn 1,6 tỉ đồng, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ giải ngân xong nguồn vốn.

UBND huyện xác định 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp phát thẻ BHYT miễn phí, 100% học sinh, sinh viên con em hộ nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Trên địa bàn huyện hiện nay không còn nhà ở đơn sơ, dột nát; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận thông tin.

Ông An Đôn Nghĩa - Phó Chủ tịch huyện Yên Mô - cho biết, đến nay tỉ lệ hộ nghèo của huyện Yên Mô giảm 1/4 trong vòng 5 năm từ năm 2021 - 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng. Để đạt mục tiêu giảm nghèo thực sự bền vững trong thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch hằng năm, phân cấp, ủy quyền thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn