MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng nề dù trải qua nhiều lần cải tạo. Ảnh: Hồng Diệp

Tạo dòng chảy, lấy nước sông Hồng hồi sinh sông ô nhiễm

Phạm Đông - Hồng Diệp LDO | 13/04/2024 07:56

Theo nhiều chuyên gia, để xử lý tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, điều quan trọng nhất là phải xử lý được nguồn thải chảy vào sông và duy trì dòng chảy tối thiểu trên hệ thống sông.

Hồi sinh những dòng sông bị ô nhiễm

Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua. Một trong những điểm nhấn của quy hoạch là việc hồi sinh sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy.

Nhiệm vụ trọng tâm là Hà Nội sẽ phân vùng xử lý nước thải theo khu vực với quy mô phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong thu gom và công suất xử lý. Đảm bảo quy mô nhà máy xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn Thủ đô, tạo dòng chảy các sông Tô Lịch, sông Tích góp phần làm sạch sông, hồ trong đô thị trung tâm.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng. Việc này nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.

Theo các chuyên gia, đặc điểm của sông Tô Lịch là mùa mưa, dòng chảy mới được lưu thông, mùa khô thì nước sông sẽ trở nên “tù”, có khi cạn trơ đáy nên vẫn phải được bổ cập nước thường xuyên. Khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp sông Nhuệ, sông Đáy, thậm chí sông Tô Lịch cũng có dòng chảy thường xuyên, khắc phục tình trạng suy kiệt nguồn nước, trả lại khả năng tự làm sạch chất gây ô nhiễm của các dòng sông.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Đức Hạ - nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) - cho rằng, việc đưa nước sông Hồng vào giải cứu sông Tô Lịch là cần thiết.

"Đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết. Các đơn vị chức năng cũng cần phải chú ý tạo dòng chảy và tăng cường quá trình tự làm sạch trong sông về mùa khô bằng giải pháp bổ sung nước sạch, đặc biệt là mùa khô" - ông Hạ nói.

Giải quyết ô nhiễm phải kết hợp với bổ cập nguồn nước

Còn PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cho biết, để có thể hồi sinh các sông trên địa bàn thành phố, trước tiên, cần xác định căn nguyên gây ô nhiễm và lượng nước thải để có giải pháp khả thi, phù hợp từng giai đoạn. Trước tiên ông Tứ cho rằng, phải kiên quyết trong xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp quy hoạch.

Đối với sông Nhuệ, cần xây dựng các công trình lấy nước trực tiếp từ sông Đáy, sông Hồng để bổ sung nguồn nước sạch, tránh nước tù đọng và duy trì dòng chảy thường xuyên. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc để tiếp thêm nguồn cho sông Tô Lịch cấp đủ nước và duy trì dòng chảy tối thiểu trên hệ thống.

Đối với sông Tô Lịch, cần khôi phục dòng chảy sông bằng giải pháp lấy nước từ sông Hồng qua trạm bơm đặt ở cuối ngõ 464 Âu Cơ. Nước sông Hồng sau khi được lắng sơ bộ, sẽ được bơm theo đường ống và đổ vào thượng lưu sông Tô Lịch.

Tháng 10.2016, TP Hà Nội đã khởi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, có tổng mức đầu tư 16.000 tỉ đồng với mục tiêu xử lý nước thải thuộc các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì. Đến nay, Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000m3/ngày đêm) đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến trong quý II/2024 sẽ vận hành thử nghiệm nhà máy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn