MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiết chào cờ thực hiện chủ đề "Uống nước nhớ nguồn" tại Trường TH Xuân Hội (Nghi Xuân-Hà Tĩnh). Ảnh: DN

Tạo sức hấp dẫn cho những tiết chào cờ đầu tuần

PHAN DUY NGHĨA LDO | 14/08/2021 12:31

Khác với những tiết sinh hoạt dưới trước đây, những tiết chào cờ ở các trường học hiện nay ở Hà Tĩnh trở thành hoạt động trải nghiệm thú vị và đa dạng, được học sinh háo hức chờ đón.

Cô Trần Thị Ngọc Xuyến – Hiệu trưởng Trường TH thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Đặc điểm tâm lí của học sinh tiểu học là các em thích được hoạt động vì vậy nếu bắt các em ngồi yên một chỗ để nghe thầy cô giáo thuyết trình, nhận xét và đánh giá về một vấn đề nào đó thì các em sẽ không tập trung và cảm thấy nhàm chán. Vì vậy để tiết sinh hoạt dưới cờ thật sự hấp dẫn và lôi cuốn học sinh thì tiết học này phải do các em tự điều hành và tổ chức”.

Tham dự hoạt động sinh hoạt dưới cờ ở các trường tiểu học, chúng tôi nhận thấy hoạt động này thường được tổ chức theo ba phần.

Đầu tiên là phần tổ chức lễ chào cờ theo nghi thức, đây là phần bắt buộc trong hoạt động sinh hoạt dưới cờ. Theo quy định của Bộ GDĐT thì “Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng, thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm của người Việt Nam với Tổ quốc và Nhân dân”, vì vậy phần này được các nhà trường tổ chức chu đáo và trang nghiêm.

Tiếp theo là phần đánh giá và triển khai hoạt động Đội. Trước đây, phần này hầu như chiếm hết thời gian của tiết hoạt động sinh hoạt dưới cờ, hình thức rập khuôn, gây nhàm chán học sinh. Hiện nay, phần này được tinh gọn lại, tập trung vào những nội dung trọng tâm do học sinh điều hành và tổ chức.

Cuối cùng là phần tổ chức hoạt động trải nghiệm, đây chính là phần “hội” trong hoạt động sinh hoạt dưới cờ hiện nay được thực hiện theo chương trình hoạt động trải nghiệm trong Chương trình GDPT 2018.

Nội dung hoạt động ở phần này tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình; các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh.

Đây là phần mà học sinh thích thú nhất và cũng là phần sáng tạo nhất trong hoạt động sinh hoạt dưới cờ của học sinh và giáo viên.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Cúc – Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết: “Để hoạt động sinh hoạt dưới cờ hấp dẫn và lôi cuốn học sinh, trong năm học qua, chúng tôi đã đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tổ chức như: sân khấu hóa; giao lưu, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền măng non; tổ chức trò chơi, Festival, ngày hội. Các hình thức này thật sự đã mang lại cho học sinh niềm yêu thích và hứng thú tham gia. Các em luôn mong đến tiết hoạt động sinh hoạt dưới cờ để được tham gia trải nghiệm”.

Sinh hoạt dưới cờ có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục cho học sinh trân trọng với Quốc kỳ, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc; củng cố, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, giá trị sống; tạo cho học sinh thêm gắn bó với trường lớp, thầy cô giáo và bạn bè; tạo tâm thế, động lực giúp các em hào hứng bước vào tuần học mới. Vì vậy, thiết nghĩ, các nhà trường cần quan tâm đặc biệt đến hoạt động này.

Để hoạt động này hấp dẫn và lôi cuốn học sinh đòi hỏi các nhà trường phải luôn đổi mới và sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn