MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Tất cả hồ thủy điện đều đảm bảo an toàn, có tác dụng cắt lũ"

Đặng Chung - Trần Vương - Nguyễn Hà LDO | 02/11/2020 16:28
Ngày 2.11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.

Tại tổ 12 (gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Kiên Giang), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã dành thời gian nói về an toàn hồ, đập thủy điện và tác động của thủy điện tới lũ lụt miền Trung thời gian qua.

Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ đúng luật

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, an toàn hồ đập là vấn đề lớn, vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thời tiết và biến đổi khí hậu ngày càng dị thường, cực đoan.

“Như các đại biểu đã chứng kiến những cơn bão liên tục đổ bộ vào miền Trung với tần suất rất cao và mức độ mưa cũng như thời gian lưu bão lớn ở các địa phương, nên câu chuyện ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và bão lụt, bảo đảm an toàn của hồ thủy điện, hồ chứa nước, hồ thuỷ lợi là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ với các bộ, ngành”- Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Ông dẫn chứng, hiện cả nước có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác với dung tích 56 tỉ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước. Hiện chúng ta đã có đầy đủ quy định quản lý nhà nước trong đảm bảo công tác an toàn hồ đập thủy điện. Trên thực tế, các bộ ngành đều có chỉ đạo và hướng dẫn địa phương quản lý lĩnh vực này.

“Hiện có 401/401 các đập thủy điện đã được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập;

Có 401/401 hồ chứa có các quy trình đã được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương hoặc địa phương phê duyệt theo quy định về phương án ứng phó thiên tai cũng như tham gia phối hợp trong phòng, chống ứng phó bão lũ tại địa phương” - ông Trần Tuấn Anh thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong mùa mưa bão của năm 2020, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành tổ chức các đoàn đi kiểm tra về an toàn đập thủy điện. Thủ tướng Chính phủ cũng đã trực tiếp tổ chức các đoàn đi kiểm tra, làm việc với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế cũng như một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

Qua thực tế kiểm tra, tất cả hồ đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo an toàn của đập và cũng như vận hành của hồ. Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định của pháp luật.

"Hồ thuỷ điện có tác dụng điều tiết, cắt lũ"

Thời gian qua, có một số thông tin cho rằng hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt cho hạ du. Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thông tin trên chưa chính xác.

Thực tế, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn cho thấy, tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đắk Mi 4 là hồ có dung tích lớn, có những thời điểm đỉnh lũ ngày 28.10, lượng nước về hồ tới 17.000 m3/giây, nhưng chính nhờ dung tích của Đắk Mi 4 có khả năng điều tiết, chứa nước để cắt lũ đã giúp cắt lũ hơn 55%. Nếu không đỉnh lũ về ngày 28.10 sẽ gây ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, tính dị thường và cực đoan của thời tiết đã được Chính phủ đề cập tới rất nhiều. Con số thống kế của Bộ NNPTNT, Bộ TNMT cho thấy, chưa bao giờ mức độ mưa, lượng mưa lớn như vậy.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương cho thấy, tại miền Trung không ít khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000 mm, thậm chí 3.000 mm. Với thời gian lưu bão lâu và liều lượng mưa lớn, liên tục nên hầu như tất cả khu vực miền Trung - khu vực địa chất yếu - đã xảy ra hiện tượng đất lở, sụt lở, gây tai nạn rất thương tâm như tại Rào Trăng 3, Trà Leng....

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để tìm nguyên nhân trong câu chuyện ảnh hưởng của môi trường trong hoạt động kinh tế xã hội, dân sinh thì sẽ phải đánh giá kỹ hơn, kể cả công trình thủy điện, giao thông... Nhưng phải khẳng định tính dị thường và cực đoan của thời tiết là một trong những nguyên nhân lớn ảnh hưởng đặc biệt đến môi trường ở địa phương và mức độ, hậu quả ghê gớm của thiên tai, lũ lụt thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn