MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù đã nhiều lần thông báo nhưng không ai đến nhận các tàu vi phạm bị tạm giữ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tàu bán hàng rong trên vịnh Hạ Long bị tạm giữ: Không chủ nào đến làm thủ tục nhận về

Nguyễn Hùng LDO | 01/11/2018 11:28
Hầu hết các tàu bán hàng rong, bắt chẹt du khách trên vịnh Hạ Long bị các lực lượng chức năng UBND TP. Hạ Long (Quảng Ninh) tạm giữ đều không được các chủ tàu đến nhận, làm thủ tục đem về, dù UBND TP.Hạ Long ra các thông báo tìm chủ phương tiện trên phương tiện thông tin, dán thông báo tại các cảng tàu...

Tiêu hủy bằng cách đốt như trước đây sẽ gây phản cảm, trong khi đem đấu giá khó thành công vì ai mua được sẽ phải làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm… từ đầu do tất cả tàu thuyền đều không có giấy tờ.

UBND TP.Hạ Long vừa đăng thông báo lần 2 tìm một loạt các chủ tàu vi phạm hành chính đang bị UBND thành phố tạm giữ. Tuy nhiên, cũng như bao lần trước, không một chủ nào đến nhận tàu. 

Theo ông Hồ Quang Huy – Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long – các thông báo tìm các chủ tàu được đăng tải trên trang web của thành phố và niêm yết tại các cảng tàu. Trả lời vì sao không gửi thông báo hoặc điện thoại để các chủ tàu đến làm thủ tục nhận tàu về, ông Huy cho biết, hầu hết các tàu thuyền đeo bám tàu du lịch để bán hàng rong đều không có biển số, giấy đăng ký, đăng kiểm và khi bị bắt do vi phạm, các chủ tàu đều bỏ lại phương tiện nên không biết ai mà liên lạc.

“Theo quy định, sau một thời gian công bố, nếu không tìm thấy chủ thì có nghĩa là tàu vô chủ và sẽ được xử lý theo luật” – ông Huy cho biết.

Như chúng tôi đã phản ánh, trước đó, TP.Hạ Long đã đốt khá nhiều tàu bán hàng rong trái phép trên vịnh Hạ Long do không có ai đến nhận tàu dù đã nhiều lần thông báo tìm chủ tàu. Việc này gây những phản ứng trái chiều, trong đó không ít ý kiến cho rằng việc đốt tàu vừa phản cảm, vừa lãng phí, vì thế nên bán đấu giá. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hầu như các tàu đều cũ, lại không có đăng ký, đăng kiểm nên không ai mua, bởi để những con tàu này hoạt động hợp pháp mất quá nhiều thời gian, công sức.

Theo ông Nguyễn Văn Thống – Trạm trưởng trạm đăng ký phương tiện thủy nội địa, Sở GTVT Quảng Ninh – về mặt thủ tục thì phải có giấy đăng kiểm, mà muốn có đăng kiểm thì phải vẽ lại thiết kế để trình cơ quan liên quan duyệt, sau đó mới xin đăng ký hoạt động.

“Cũng tùy từng loại tàu mà yêu cầu thủ tục đăng ký, đăng kiểm khác nhau. Tuy nhiên, theo quy định, tàu có công suất máy từ 5CV trở lên là phải đăng ký, đăng kiểm và từ 15CV trở lên phải có hồ sơ thiết kế và giám sát kỹ thuật” – ông Thống cho biết.

Theo ông Hồ Quang Huy – Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long – hầu hết các tàu đều có máy công suất từ 15CV trở lên, dù kích cỡ mỗi tàu không tương thích với công suất máy. “Nếu không ai đến nhận, chúng tôi sẽ lập hội đồng để định giá tài sản để bán đấu giá. Trong trường hợp không ai mua, chúng tôi sẽ tiêu hủy theo quy định, nhưng sẽ không đốt” – ông Huy chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn